- Tôi không thấy lo nhiều về Pusyseda. Nó là người dám làm dám chịu,
tính cách phóng khoáng, tuổi trẻ nông nổi có chút phản kháng cũng không
sao, rồi thời gian qua đi, nó sẽ trưởng thành và chín chắn hơn. Người khiến
tôi lo lắng hơn cả là Rajiva…
Trống ngực đập thình thịch, tôi ngạc nhiên nhìn ông. Từ khi đổ bệnh,
Kumarayana chưa bao giờ trò chuyện nhiều đến thế. Gương mặt ông lúc
này ửng lên sắc đỏ dị thường, ông nói trong tiếng ho khan:
- Nó quá thông minh và từ nhỏ đến lớn chưa từng nếm trải cực khổ.
Trong lòng suy nghĩ rất nhiều, nhưng không bao giờ tâm sự với ai. Tính
cách ấy sẽ khiến cuộc đời nó trở nên bất hạnh.
Tôi nhớ từng đọc một bài báo viết về một nhóm các nhà khoa học nghiên
cứu, lai tạo ra giống chuột đột biến gen thông minh hơn rất nhiều loài chuột
thông thường. Và người ta hào hứng kháo nhau rằng, nếu áp dụng phương
pháp gây đột biến gen đó lên cơ thể người thì con người sẽ trở nên thông
minh hơn, tài giỏi hơn rất nhiều. Nhưng không lâu sau, người ta lấy làm vui
mừng vì đã không vội vàng biến giấc mơ ấy thành hiện thực. Bởi vì nghiên
cứu cho thấy, tuy rằng loài chuột đột biến gen trở nên thông minh hơn,
nhưng chúng cũng phải trả một cái giá rất đắt. Bộ gen mới trong cơ thể
“chuột thông minh” có tác dụng kích thích thần kinh, giúp chúng phát triển
trí nhớ và trí tuệ, nhưng đồng thời cũng khiến chúng trở nên mẫn cảm hơn
với nỗi đau và sự tổn thương.
Thế nên, quá ư thông minh không hẳn đã tốt. Khi bi kịch xảy đến, người
thông minh sẽ cảm thấy vô cùng tồi tệ và không thể chấp nhận hiện thực,
thậm chí không thể chịu đựng nổi. Người bình thường có thể xem nhẹ hoặc
bỏ qua để tiếp tục sống, nhưng họ thì không. Họ dễ trở nên mất phương
hướng và hóa điên dại và cuộc đời họ vì thế sẽ chỉ toàn thảm kịch. Đó là bi
kịch của những người thông minh. Rajiva cũng khó tránh khỏi vận mệnh
này.