Pusyseda nhìn tôi, vẻ mặt nghiêm trọng:
- Ngải Tình, lát nữa gặp Lữ Quang, chị đừng nói gì cả. Ông ta là kẻ thô
bạo nóng nảy, không biết nương tay bao giờ, chỉ có thể thuận theo ý ông ta,
nếu chống lại thì dù là thân tín, ông ta cũng sẵn sàng trừ khử.
Cậu ta thở dài thườn thượt:
- Anh trai tôi gặp phải ông ta đúng là gặp phải kiếp nạn!
Thư Cử Mông Tốn, kẻ đã giết Đoàn Nghiệp và tự lập mình làm vua Bắc
Lương đã đánh giá Lữ Quang là kẻ “mê muội, tin lời gièm pha của kẻ xấu”.
Vừa nghe cháu trai nói rằng “người Hà Tây chỉ biết đến Đỗ Tấn mà không
hay Lữ Quang là ai”, ông ta đã thẳng tay giết Đỗ Tấn, một tướng lĩnh đắc
lực, một công thần. Trong chuyện chọn người kế vị, Lữ Quang cũng có
những quyết định hết sức hoang đường, khiến nhà Hậu Lương chỉ trong vài
năm ngắn ngủi sau khi ông ta qua đời đã phải thay đến ba đời vua và sau
cùng đã để mất nước. Bởi vậy, ảo tưởng có thể thuyết phục Lữ Quang từ bỏ
việc hành hạ Rajiva của tôi tan vỡ sau câu nói của Pusyseda. Muốn ông ta
từ bỏ ý định hạ nhục Rajiva, e là tôi sẽ phải đánh đổi cả tính mạng của
mình. Đối với một kẻ chẳng hề tín Phật như Lữ Quang, từ bỏ không chỉ
đơn giản là việc sẽ mất đi phần thưởng béo bở kia, mà quan trọng hơn là
ông ta sẽ mất đi thể diện.
Sau nhiều lần thông báo, khi đêm đen đã bao trùm, chúng tôi mới được
xuất hiện trước mặt Lữ Quang.
Con người đã thay đổi cuộc đời của Rajiva ấy đang ngồi xem báo cáo về
tình hình quân sự trong đại điện, bên cạnh là bốn thanh niên chừng hai
mươi tuổi, tướng mạo khá giống Lữ Quang. Tôi đoán họ chính là đám con
cháu bất nghĩa đã chém giết lẫn nhau để tranh cướp ngôi vị sau khi Lữ
Quang chết. Tuy là người tộc Đê, nhưng tướng mạo của ông ta lại rất giống
những người Hán thô kệch sống ở phương bắc. Thời điểm này, ông ta bốn