tôi. Về đến lán trại, cả hai cùng ướt như chuột lột. Chúng tôi nhanh chóng
cởi bỏ quần áo ướt, thay bằng quần áo khô ráo và khoát thêm áo tơi. Tiếng
la hét, tiếng ngựa hí bên ngoài dấy động, chỉ trong chớp mắt, sấm chớp ầm
ầm, mưa lớn dữ dội cùng trút xuống hẻm núi.
Rajiva đỡ tôi lên xe ngựa, phu xe và hành lý đều đã sẵn sàng. Nhưng
chàng không chịu lên cùng, trong mưa to gió lớn, tiếng chàng hét gọi:
- Nàng đi trước đi, ta đến tìm Đỗ Tấn. Phải tìm cách đưa mọi người ra
khỏi hẻm núi này, nếu không, mưa lớn gây ra lũ quét, nơi này không có chỗ
náu thân, mọi người nguy mất.
Tôi không chịu, đòi đi cùng chàng, nhưng chàng kiên quyết không cho
tôi xuống xe:
- Hãy nghe lời ta, nàng không được dầm mình quá lâu trong mưa, sẽ ốm
mất. Nàng đi theo ta, chỉ thêm vướng chân vướng tay, ta sẽ về ngay sau khi
gặp được Đỗ Tấn.
Chàng căn dặn phu xe vài câu rồi vội vàng chạy đi. Xe ngựa lăn bánh
được một lúc, tôi bỗng nghe thấy trong chuỗi âm thanh ồn ào, hỗn loạn, có
tiếng phụ nữ kêu khóc. Nhìn ra bên ngoài, tôi nhận thấy hàng ngũ của các
nhạc công, vũ công và thợ thủ công đang rối như canh hẹ. Họ không có kỷ
luật như quân đội, lại không có người chỉ huy, nên xe ngựa và lạc đà trở
nên hỗn loạn, chặn đường thoát ra khỏi hẻm núi của cả đoàn. Tôi nhảy ra
khỏi xe ngựa, vung tay kêu gọi mọi người không nên cuống quít. Tiếng tôi
không át được tiếng ngựa hí, tiếng người khóc, tiếng sấm tiếng mưa hỗn
độn ấy. Trong lúc rối trí, tôi bèn lôi trong người ra chiếc đèn pin, bật đèn,
giơ cao lên. Luồng ánh sáng tập trung và ổn định ấy quả nhiên đã có tác
dụng khiến mọi người trật tự hơn. Tôi vốn rất nâng niu chiếc đèn pin này,
không nỡ sử dụng vì sợ sẽ hết pin. Nhận thấy tình trạng nguy cấp và trời tối
đen của đêm nay, tôi mới lôi ra dự phòng và bây giờ, đã đến lúc phải dùng
đến nó.