thương vô hạn. Chàng quay đầu căn dặn đệ tử vài câu, các đệ tử của ngài
liền đến bên những người dân gặp nạn, tụng kinh cầu an cho họ. Hầu hết
mọi người trong hàng ngũ đều chắp tay, nhắm mắt, cung kính đón nhận lời
ban phúc của Phật tổ.
Những bông tuyết lớn bắt đầu đổ xuống ào ạt xen lẫn giữa tiếng tụng
niệm rì rầm, tiếng nức nở than khóc, những trang giấy tiếp tục được đóng
dấu đỏ và chồng lên chất ngất trên bàn đăng ký.
Đêm đó, Rajiva trằn trọc mãi không ngủ được, sắc trắng thê lương của
tuyết lạnh ngoài trời đông hắt qua cửa sổ, dội lên thần sắc u buồn thăm
thẳm của chàng.
- Ngải Tình, chúng sinh sống trong cuộc đời này phải chịu bao khổ nạn,
mà ta bất tài vô dụng, không ngăn được thiên tai, càng không chặn nổi địch
hoạ. Vậy ta có thể làm gì để giúp họ?
Tâm trạng của tôi lúc này cũng nặng nề không kém chàng. Tôi lặng lẽ
khoác áo bông cho chàng, nắm lấy tay chàng và dựa vào vai chàng
- Chàng có thể làm được rất nhiều việc. Phật giáo vốn được sinh ra trong
khổ nạn. Đức Phật thấu tỏ cuộc đời này chỉ toàn khổ đau, nên đã khai sáng
ra Phật giáo. Đó là niềm an ủi của chúng sinh trong khổ nạn và là ước vọng
về một tương lai tốt đẹp hơn. Một nhà triết học phương Tây từng nói rằng:
“Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức là trái tim của thế giới
không có trái tim”.[2]
[2] Câu nói của Kart Marx.
Xoay người lại, đối diện với chàng, tôi nắm chặt bàn tay chàng:
- Rajiva, hãy làm những gì chàng có thể làm để an ủi tâm linh những con
người khốn khổ ấy. Có thể họ không sao thoát khỏi số mệnh phải chết đói