Nếu không có cuộc thí nghiệm vượt thời gian này, tôi sẽ mãi mãi không
thể thấu hiểu thế nào là sự mong manh của mạng sống con người.
Những ngày tháng bận rộn cứ thế trôi qua, và lần đầu tiên trong đời,
chân tay tôi xuất hiện vết lở loét do giá lạnh, vừa buốt vừa ngứa, bôi bao
nhiêu gừng cũng không ăn thua. Nhưng điều này cũng không thấm tháp
vào đâu so với tin dữ chúng tôi nhận được.
Theo tài liệu tôi đọc được, giữa tháng mười hai âm lịch, giá lương thực
sẽ lên đến đỉnh điểm năm trăm quan tiền một đấu gạo, đó là mức giá lương
thực cao nhất trong giai đoạn lịch sử này. Lý Cảo mặt ủ mày chau thông
báo với chúng tôi rằng anh ta không thể chống chịu thêm được nữa.Toàn bộ
sản nghiệp của anh ta, từ nhà trọ, quán ăn, tiệm thuốc đều bị đình trệ. Nông
dân bỏ ruộng vười đi tha hương cầu thực, nên anh ta cũng không thu được
điền tô. Đây là khoảng thời gian tồi tệ nhất của anh ta từ xưa đến nay. Phần
lương thực còn lại trong kho, anh ta phải dành để nuôi sống đại gia đình họ
Lý qua mùa đông giá lạnh này.
Thông tin này tựa như tiếng sấm bên tai. Mất đi sự ủng hộ của Lý Cảo,
chúng tôi còn có thể duy trì đến khi nào? Tôi và Rajiva hết lời cầu cạnh,
nhưng không ăn thua. Anh ta áy náy trả lời rằng: chỉ vì bất đắc dĩ mới phải
làm vậy, và rằng ngoài việc cứu đói, anh ta sẵn sàng giúp đỡ.
Tối hôm đó, Rajiva lặng lẽ thu dọn đồ đạc, chàng lọc ra một số thư tịch,
trang phục không dùng đến và tất cả những gì có thể bán được, giao cho
tôi. Chàng nhìn tôi mỉm cười, giọng nói chắc nịch:
- Ngải Tình, ta sẽ không mua sách nữa, cũng không cần mỗi ngày thay
một bộ y phục, càng không cần cứ cách hơn mười ngày phải có một bữa
mặn nữa. Người dân vùng thiên tai ăn gì ta sẽ ăn nấy. Thứ gì có thể tiết
kiệm, ta sẽ ra sức tiết kiệm, dù phải khuynh gia bại sản, ta cũng sẽ cứu trợ
nạn dân.