Tôi biết cha cậu là Kumarayana, còn mẹ cậu là Jiva, những tên gọi vốn
đã rất quen thuộc đối với người Hán. Tăng sĩ Tây Vực và Ấn Độ đều dùng
tên gọi thông thường, khác với cách dùng pháp hiệu của các nhà sư Trung
Nguyên.
Kumarajiva đặt tập giấy nháp trước mặt tôi và đề nghị:
- Cô có thể viết tên gọi tiếng Hán của tôi vào đây được không?
Tôi nắn nót từng nét một: Ku- ma- ra- ji- va.
Cậu ta ngắm nghía tỉ mỉ, đọc lại một lượt, rồi ngước lên nhìn tôi, khuôn
mặt rạng rỡ niềm vui:
- Hay! Kumarajiva. Nếu là tên gọi do Ngải Tình đặt, thì từ nay về sau tên
tiếng Hán của tôi sẽ là Kumarajiva!
Tôi giật mình ngẩng lên, bắt gặp đôi mắt trong sáng tràn ngập ánh cười
đang nhìn mình. Tôi bỗng hốt hoảng, thần trí mất tập trung, cứ bay bay tận
đâu đâu. Không có tài liệu nào ghi lại thông tin về người đã đặt tên tiếng
Hán cho cậu ta, không lẽ người đó là tôi? Tên gọi mà tôi đọc được ở thế kỷ
XXI hoàn toàn trùng khớp với tên gọi mà tôi đặt cho cậu ta 1650 năm về
trước. Điều đó có nghĩa là, việc tôi vượt thời gian đến đây và gặp gỡ
Kumarajiva đều là sự tất nhiên ư? Điều này có mối liên quan, logic gì? Tôi
chỉ là du khách đi bên lề lịch sử, hay tôi đã gia nhập vào thời đại này một
cách hoàn toàn tình cờ?