ĐỨC PHẬT VÀ NÀNG
Chương Xuân Di
www.dtv-ebook.com
Chương 10
Cuối cùng, chúng tôi cũng lên đường đi Khâu Từ. Buổi đưa tiễn diễn ra
rất náo nhiệt, dân chúng Wensu từ mọi ngả đổ ra phố chính, đứng chen
chân hai bên đường. Đức vua Wensu đích thân cưỡi ngựa tiễn đoàn chúng
tôi mấy mươi dặm.
Đi cùng vua chúa quả có khác, chúng tôi được chăm sóc rất chu đáo và
vương giả, khác hẳn với khi tôi đi cùng mẹ con Rajiva. Hàng ngày, Rajiva
vẫn đều đặn đến lán trại của tôi học bài sau giờ tụng kinh buổi chiều. Giờ
đây tôi đã có sách trong tay, nên bài giảng cũng ngày một trọn vẹn và sâu
rộng hơn, tôi luôn mở rộng, bổ sung kiến thức mới cho Rajiva. Tôi thường
vận dụng những câu chuyện lịch sử làm dẫn chứng minh họa cho những
đạo lý sâu xa của cổ nhân, Rajiva rất hứng thú và luôn hết lời khen ngợi.
Vua Bạch Thuần đã có lần đến kiểm tra việc dạy học của tôi, tiếng Hán
của ngài rất trôi chảy. Khi ấy tôi đang giảng sách Luận ngữ “Chương 9: Tử
Hãn”, Nhà vua chọn ra một câu để thử tài tôi, câu đó là: “Tử viết: Ngô vị
kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã”.
Câu này vốn rất dễ lý giải, tôi suy nghĩ một lát, đáp:
- Khổng Tử than phiền rằng con người coi trọng sắc dục hơn đức hạnh.
Thế nhưng người ta ai nấy đều ham muốn sắc dục, bởi vậy háo sắc là biểu
hiện chân thực của bản tính con người. Giữa con người và sắc đẹp có sự lôi
cuốn rất tự nhiên, khó lí giải nhưng vô cùng mãnh liệt. Cáo Tử từng nói:
“Nhu cầu ăn uống và sắc dục thuộc về bản năng tự nhiên của con người”.
Nhưng đức hạnh thì không phải. Người ta, nếu có coi trọng đức hạnh thì