Khâu Từ. Ngài những tưởng cả đời này sẽ không được gặp lại Rajiva nữa,
trong lòng muôn phần buồn bã.
Tôi đón lấy ánh mắt kinh ngạc của đại sư, khẽ cúi người vái lạy ngài:
- Đó là nội dung bức thư ngài viết cho Rajiva năm xưa. Thư được gửi
đến Khâu Từ, quốc sư Pusyseda, em trai Rajiva thay chàng nhận thư và cất
giữ, sau đó đệ tử của Rajiva là Badyetara đã mang thư đến Guzang cho
chàng.
Năm đó, hai mươi tư đệ tử của Rajiva đã vượt đường xa dặm thẳng, cuối
cùng cũng giao được bức thư tới tận tay chàng.
Đại sư đã hoàn toàn tin tôi. Ngài lắc đầu thở dài, nước mắt ngắn dài, ướt
nhèm tròng mắt nhăn nheo, già cả.
- Bần tăng lưu lại Sulaq hơn mười năm, sau đó nhận được thư mời của
Đức vua Khâu Từ, bần tăng liền tới đó giảng đạo. Ba năm trước, bần tăng
nhận được thư của Rajiva, đó là bức thư đầu tiên bần tăng nhận được kể từ
khi pháp sư đến Trung Nguyên. Mười mấy năm bặt vô âm tín, khi biết pháp
sư ở Guzang chịu muôn vàn gian khổ, bần tăng rất mong được đến giúp
pháp sư. Sau khi nhận được thư, bần tăng những muốn sẽ lên đường ngay,
nhưng Đức vua Khâu Từ quá ư hiếu khách. Sau đó, bần tăng đã phải bỏ
trốn, nhưng tiếc thay, sau nửa năm trời vượt ngàn dặm xa xôi đến được
Guzang, thì Rajiva đã đi Trường An.
Tôi đưa tay lau nước mắt:
- Mời đại sư lên xe rồi chúng ta nói chuyện tiếp. Chúng ta phải lên
đường gấp, tôi rất mong ngày mai sẽ gặp được Rajiva.
Đại sư đi chung xe bò với tôi, chúng tôi thay phiên nhau đánh xe, trên
đường đi, chúng tôi đã trò chuyện rất nhiều. Tôi đã kể ngài nghe Rajiva
chịu sự chèn ép của cha con họ Lữ ra sao, chúng tôi đã trải qua nạn đói ở