Tôi đã kịp dạo quanh mấy vòng thành cổ Khâu Từ. Quốc gia này có ba
tòa thành quách rộng lớn, được canh phòng nghiêm ngặt. Chính giữa là
cung điện nguy nga tráng lệ. Diện tích tòa thành lớn gấp năm, sáu lần tòa
thành Wensu mà tôi từng khảo sát. Tín ngưỡng Phật giáo được đón nhận
nồng nhiệt ở nơi đây. Đến đâu cũng bắt gặp đền chùa, miếu mạo hoặc to
hoặc nhỏ được xây lên với mật độ dày đặc.
Khâu Từ dựa lưng vào núi Thiên Sơn ở phía bắc, được xem là quốc gia
có nguồn nước dồi dào nhất Tây Vực, vì vậy trồng trọt và chăn nuôi rất
phát triển. Núi Thiên Sơn lại dồi dào khoáng sản, có thể cung cấp cho tất cả
các quốc gia trong khu vực. Thêm vào đó, Khâu Từ nằm trên giao lộ của
con đường tơ lụa, thương nghiệp phát triển kèm theo sự phát triển rực rỡ
của thủ công nghiệp. Vì vậy, Khâu Từ là quốc gia giàu có nhất ở Tây Vực.
Mỗi ngày, từng đoàn ngựa thồ tơ lụa lũ lượt qua lại trên những trục
đường chính, cảnh buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa các thương lái diễn ra
cực kỳ tấp nập, ngựa xe như nước như nêm. Cả thành phố hệt như buổi
triển lãm của các sắc tộc: Người Yue Zhi, Wusun, Hung Nô, Turk, Sienpi,
Joujan, Mông Cổ, Ba Tư, Iran, Ấn Độ, thậm chí cả những người thuộc
chủng tộc người châu Âu hiện đại như: Hy Lạp và Roma và rất nhiều người
Hán. Mỗi lúc bước chân ra phố, tôi đều dừng lại, mê mải ngắm nhìn dòng
người đủ mọi màu da và trang phục đi qua đi lại trước mặt. Chỉ đến khi cậu
học trò mới đang dắt tay tôi đi bên cạnh vác bộ mặt khinh khỉnh nhìn lên,
tôi mới cất bước đi tiếp trong sự nuối tiếc.
Nhắc đến cậu học trò mới này mới nhớ, cậu ta chính là vấn đề khiến tôi
đau đầu nhất hiện nay.
Một chú nhóc trắng trẻo, cực kỳ đáng yêu đang say sưa cầm bút chì vẽ
nguệch ngoạc lên tập giấy nháp của tôi, sau đó dùng cục tẩy xóa đi rồi lại
tiếp tục vẽ. Cậu nhóc coi dụng cụ học tập có thể sử dụng nhiều lần này của
tôi là thứ đồ chơi hấp dẫn nhất, cứ miệt mài vẽ vẽ xóa xóa cả ngày không
chán.