dưới đuôi mắt chàng, day dứt trên bờ môi chàng. Đôi mắt không long lanh
như thuở trước mà nhuốm màu bãi bể nương dâu, thông tuệ và thấu suốt
cõi đời.
Xây dựng tông phái, trở thành bậc danh sư lỗi lạc vốn là lí tưởng của mọi
cao tăng, cũng là khát vọng của chàng kể từ năm mười ba tuổi, nhưng
chàng đã từ bỏ khi bước sang tuổi năm mươi ba. Quãng đời còn lại của
mình, chàng dành trọn cho việc dịch thuật kinh văn, không viết sách, không
xây dựng luận thuyết. Đối với các tín đồ Phật giáo ở Trung Nguyên, cống
hiến của Rajiva là vô cùng to lớn bởi vì chàng đã dịch thành công những
cuốn kinh văn vô cùng quan trọng. Nhưng đối với chàng, chuyên tâm dịch
thuật kinh Phật đồng nghĩa với việc hi sinh lí tưởng suốt bốn mươi năm, để
truyền bá Phật pháp rộng rãi bằng cách thức mà người Trung Quốc có thể
dễ dàng lí giải và lĩnh hội. Chàng đã phải trăn trở, dằn vặt và đấu tranh dữ
dội nhường nào mới có thể dứt bỏ, mới có thể dấn thân như vậy?
Và chàng, phải chăng đúng như một số nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo
đã đánh giá, chỉ là một nhà truyền giáo thành công, chỉ là một pháp sư “tuổi
trẻ tài cao” không hơn không kém?
Một trong bốn đại đệ tử của chàng – đại sư Trúc Đạo Sinh là người đề
xướng thuyết “giác ngộ”, mọi chúng sinh đều có Phật tính, là giáo lý cơ bản
của phái Thiền Tông sau này.
Cao tăng Cát Tạng, đời Đường, là người sáng lập Tam luận tông dựa trên
giáo lý của ba bộ kinh văn kinh điển: Trung quán luận, Bách luận, Thập nhị
môn luận, được Rajiva dịch và đã tôn chàng làm thủy tổ của tông phái này.
Cao tăng Trí Di, đã chọn cuốn “Pháp hoa kinh” do chàng dịch làm cơ sở
giáo lý của giáo phái Thiên thai tông, vì vậy Thiên thai tông còn được gọi
là giáo phái Pháp hoa tông. Sức ảnh hưởng của giáo phái này càng lớn,
tiếng tăm của Rajiva càng được lưu truyền rộng rãi.