ta như thế nào. Có sự liên hệ trực tiếp giữa cơn đau và trạng thái tâm của
ta. Tâm quan sát càng vắng lặng thư giãn, cơn đau mà ta cảm nhận càng
suy giảm. Lẽ dĩ nhiên, nếu ta phản ứng với cơn đau một cách mạnh mẽ
(tức là ta cảm thấy sự đau đớn càng thêm khó chịu) ta phải thay đổi oai
nghi, trở mình nằm lại một cách thoải mái hơn.
Như vậy, nếu ta muốn học hỏi để sáng suốt đối phó với trạng thái khó
chịu, hãy thử làm như thế nầy: Từ lúc vừa bắt đầu cảm nghe đau, vừa tê tê
chút ít thế nào, hãy quan sát thân và tâm mình, xem nó căng thẳng hay thư
giãn, bực bội khó chịu hay an tĩnh. Một phần của tâm vẫn còn hay biết sự
đau nhức. Như vậy lặp đi lặp lại canh chừng tâm căng thẳng và thư giãn, an
nghĩ. Cũng quan sát, xét lại thái độ của mình và luôn luôn ghi nhớ rằng ta
có thể tự ý, muốn đổi oai nghi hay không nếu cảm nghe quá khó chịu, và
điều ấy để cho tâm hay biết là ta có thể trở mình hay không tùy ý. Hãy cứ
làm như vậy cho đến khi mình hết muốn nhìn tâm căng thẳng, tâm sợ hãi,
tâm muốn ngồi dậy, hay tâm không muốn nằm mãi với cơn đau. Giờ đây ta
phải thay đổi oai nghi.
Khi còn có thể chịu đựng cơn đau, điều nầy không có nghĩa là ta còn
thản nhiên trầm tĩnh, phần đông chúng ta bắt đầu tận lực cố gắng ép mình
ngồi yên trong một thời gian nhứt định không động đậy. Nếu có thể ngồi đủ
một tiếng đồng hồ thì cảm nghe hài lòng, nếu không thì thấy là mình thất
bại. Thông thường chúng ta cố gắng chịu đựng cơn đau lâu dài hơn, càng
lâu dài thêm, tức là cố gắng vượt qua mức chịu đựng thường lệ. Tuy nhiên,
trong tiến trình cố gắng ấy ta lãng quên không quan sát tâm và không thật
sự hay biết tâm mình phản ứng với cơn đau như thế nào. Ta không nhận
thức rằng phát triển, tăng thêm mức chịu đựng cơn đau không có nghĩa là
tâm không còn phản ứng với cơn đau.
Nếu ta ngưng, không tự ép mình phải ngồi trong một khoảng thời gian
nhứt định nào, và thay vì thế, bắt đầu quan sát, nhìn vào những phản ứng
của tâm theo cách diễn tả trên, sức chịu đựng đau khổ dần dần tăng trưởng
và tâm của ta sẽ trở nên bình thản vắng lặng.