mình là rất quan trọng. Một vị thiền sinh có lần đã nói mình nhận thức rằng
quá nóng lòng, cố sức áp dụng liên tục thái độ chân chánh cũng là một thái
độ sai lầm.
77.Mỗi ý muốn hành động (tác ý) đều khởi sanh do động lực còn nằm
phía sau thúc giục. Phần lớn các động lực là ô nhiễm. Chỉ khi nào nhận
thức đầy đủ và hiểu biết ô nhiễm, trí tuệ mới phát sanh. Đến đây chính trí
tuệ là động cơ đưa đến ý muốn làm.
78.Tác ý, hay ý muốn làm, không chỉ phát sanh và hiện hữu trước mỗi cử
động hay mỗi việc làm, mà lúc nào cũng hiện hữu, xuyên qua mỗi cử động
và mỗi việc làm. Trong khi ta ngồi, lúc nào cũng có ý muốn ngồi. Ghi nhớ
điều nầy là quan trọng.
79.Một khi thấy được nguy cơ gây tai hại của ô nhiễm, lúc nào ta cũng
muốn giữ tâm trong trạng thái tích cực, lánh xa ô nhiễm.
80.Bản chất thiên nhiên của tâm là lúc nào cũng có đối tượng. Như vậy
ta không cần phải đặc biệt bỏ công đi tìm. Chỉ hay biết điều gì đang hiện
diện ở đây và không cần cố gắng mong tìm điều mà ta nghĩ là đúng đối
tượng. Không cần phải kiểm soát hay điều khiển kinh nghiệm của ta.
81.Khi mới bắt đầu hành thiền người ta thường có ý muốn biết pháp
hành phải phát triển như thế nào. Nhưng ta không cần làm gì hay tạo nên
gì. Ta chỉ cần phát huy chú niệm, liên tục thức tỉnh hay biết. Nhìn và hay
biết. Chỉ có thế thôi. Ta không thể làm cho sự việc phát sanh. Nhưng khi
phát triển đúng tình trạng hay biết, sự việc sẽ xảy diễn. Để làm phát sanh
sự hiểu biết cũng thế, dầu hiểu biết thâm sâu hay bình thường, dầu tuệ giác
cũng thế.
82.Ta chỉ có thể sửa đổi nguyên nhân, không thể tự mình sửa đổi hậu
quả. Ta không thể thành tựu điều mình mong muốn bằng cách chỉ muốn,