Cơ sở sửa chữa xe bên cạnh đang kiểm tra đông cơ chiếc DS7. Tiếng nổ,
khói, bao trùm văn phòng khiêm tốn, nhỏ bé của Tùng. Thảo làm một cử
chỉ duyên dáng và đi ra cửa.
Tấn quẳng cây bút xuống bàn, vươn vai như trút được gánh nặng. Gần
suốt buổi, chưa một lần chàng được đứng lên. Hết duyệt, ký, lại tiếp xúc
khách hàng, Tấn gần như dính chặt vào ghế. Ngày nào cũng vậy, cảnh sôi
sục, bận rộn cứ diễn đi, diễn lại khiến Tấn ngấy tận óc. Bao nhiêu thú vui
phải bị dẹp bỏ: Bóng bàn, cờ vua, âm nhạc, viết lách. Bao nhiêu cảnh “hết
hơi” phải chứng kiến: Xin xỏ, nịnh nọt, hù dọa...Giờ thì Tấn thấy hết sự
khờ dại của mình khi nhận lời đảm trách công việc này. Đâu phải Nguyễn
Bỉnh Khiêm vô tình khi viết:
Hễ không điều lợi, khôn thành dại.
Đã có tiền vào, dở cũng hay.
Hoặc :Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi!
Để được việc cho mình, biết bao kẻ đã từ bỏ sự trung thực, uốn cong
như con giun, luồn lách như con chạch. Chưa bao giờ sự tồi tàn của miếng
cơm manh áo được bộc lộ như lúc này.
Một chiếc xe cub tấp sát vào hè. Tấn nhìn ra. Xảo - một người quen -
đang đi vào với một phụ nữ. Chưa đến nơi, người đàn ông có hàm râu
quai nón đã hồ hởi:
-Chez ami! Lâu rồi không gặp!
Tấn bắt tay bạn và chào người cùng đi. Xảo giới thiệu:
-Đây là Tiết, thủ trưởng của tớ.
Nhìn vẻ thân mật của hai người, Tấn hỏi:
-Xảo đến có việc gì không?
-Là “đồng môn”, mười mấy năm chưa nhờ ông điều gì, nhưng lần này
chắc phải làm phiền.
Tấn gọi nhân viên mang trà. Giọng chàng vẫn niềm nỡ:
-Bạn bè cả, có gì ông cứ nói!