4.
Giả sử bạn quyết định từ bỏ chủ nghĩa cầu toàn, ít nhất là để thử xem chuyện
gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, bạn vẫn có suy nghĩ rằng bạn thật sự có thể trở nên
hoàn hảo trong ít nhất một vài lĩnh vực nào đó nếu bạn đủ nỗ lực, và rằng khi
bạn đạt được điều này, một phép mầu sẽ xuất hiện. Hãy xét xem mục tiêu này
có thực tế không. Có bao giờ sự hoàn mỹ trở thành hiện thực hay không? Bạn
có từng thấy bất kỳ điều gì hoàn hảo đến mức không cần cải thiện nữa không?
Để kiểm tra điều này, bạn hãy nhìn xung quanh mình ngay bây giờ và xem
mọi thứ có thể được cải thiện như thế nào. Ví dụ, hãy ngắm nhìn trang phục
của ai đó, một lẵng hoa, màu sắc và độ nét của màn hình ti-vi, chất giọng của
một ca sĩ, tính hiệu quả của chương sách này, bất kỳ điều gì. Tôi tin rằng bạn
luôn luôn tìm được cách cải thiện trong mọi điều. Điều này giúp tôi tin rằng
mọi tiêu chuẩn về sự hoàn mỹ đều không phù hợp với thực tế. Vậy thì tại sao
không từ bỏ đi? Chắc chắn bạn sẽ thành một kẻ bại trận nếu giữ lấy một tiêu
chuẩn đánh giá mà bạn không bao giờ đạt được. Tại sao cứ phải tiếp tục hành
hạ bản thân như thế?
5.
Một biện pháp khác để vượt qua thói cầu toàn là đương đầu với nỗi sợ hãi.
Có thể bạn không biết rằng sự sợ hãi luôn ẩn nấp đằng sau vẻ cầu toàn. Nỗi sợ
là động lực thúc đẩy bạn đánh bóng mọi thứ đến mức tối đa. Nếu bạn quyết
định từ bỏ sự cầu toàn, thì trước hết bạn phải đối mặt với nỗi sợ này. Bạn có
sẵn lòng không? Suy cho cùng thì cầu toàn cũng có tác dụng bảo vệ bạn. Nó
bảo vệ bạn khỏi nguy cơ bị chỉ trích, thất bại hoặc chối bỏ.
Có thể bạn cảm nhận được khuynh hướng cầu toàn của bản thân ở mức độ
nhẹ. Bạn có từng nhất quyết đi tìm một món đồ quan trọng nào đó, ví dụ như
một cây bút chì hoặc chìa khóa đã bỏ quên đâu đó trong khi bạn biết rằng tốt
nhất là hãy quên đi và chờ nó xuất hiện? Bạn làm điều này bởi vì dừng lại là