Hãy lấy một ví dụ đơn giản. Giả sử bạn có tật xấu là luôn kiểm tra khóa nhà
hoặc khóa ô-tô nhiều lần. Đương nhiên, kiểm tra mọi thứ một lần là điều bình
thường, nhưng khi bạn làm điều đó nhiều hơn thế thì thật dư thừa và vô nghĩa.
Hãy lái xe vào bãi, khóa cửa rồi rời đi. Giờ thì đừng kiểm tra! Bạn sẽ cảm thấy
khó chịu. Bạn sẽ cố gắng thuyết phục bản thân quay lại và “để cho chắc thôi
mà”. ĐỪNG LÀM VẬY. Thay vào đó, hãy ghi lại mức độ lo lắng của bạn
trong từng phút vào Bảng Ngăn Sự Phản Hồi (xem Bảng 14-3) cho đến khi
cảm giác lo lắng không còn nữa. Khi đó, bạn là người chiến thắng. Thông
thường thì một lần thực hành là đủ để phá vỡ hoàn toàn một thói quen rồi, hoặc
bạn có thể cần thực hành thêm vài lần nữa, cũng như tăng dần cường độ lên.
Phương pháp này thích hợp với khá nhiều thói quen xấu, bao gồm những kiểu
kiểm tra khác nhau (kiểm tra xem đã tắt bếp hay chưa, đã bỏ thư vào hòm thư
chưa...), các quy trình dọn rửa (rửa tay liên tục hay dọn dẹp nhà cửa quá mức
cần thiết), và nhiều kiểu khác nữa. Nếu bạn sẵn sàng xóa bỏ những thói quen
này, phương pháp ngăn sự phản hồi sẽ giúp ích cho bạn.
6.
Có thể bạn đang tự hỏi về nguồn gốc của nỗi sợ đã xui khiến bạn đi vào con
đường cầu toàn. Bạn có thể áp dụng phương pháp mũi tên dọc đã được đề cập
để tìm ra những mặc định ngầm dẫn đến lối tư duy cứng nhắc và căng thẳng
này.
Thay vì chạy trốn khỏi nỗi sợ, hãy ngồi lại và đối mặt với ông kẹ! Hãy tự
hỏi, “Mình đang sợ hãi điều gì?”, “Trường hợp tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?”
Sau đó hãy ghi lại những suy nghĩ tự động và phản biện lại. Quá trình này sẽ
khiến bạn khó chịu, nhưng nếu vượt qua và chịu đựng được cảm giác khó chịu
đó, bạn sẽ chinh phục được nỗi sợ hãi bởi vì nỗi sợ ấy chỉ là ảo ảnh mà thôi.
Niềm hân hoan mà bạn có được trong giây phút chiến thắng có thể là bước
khởi đầu cho một cuộc sống tự tin hơn.
7.