15: CHIẾN THẮNG ĐỈNH CAO: LỰA
CHỌN CUỘC SỐNG
Bác sĩ Aaron T. Beck tiết lộ trong một nghiên cứu rằng ý định tự tử hiện
diện trong khoảng 1/3 số người mắc chứng trầm cảm nhẹ, và trong gần 3/4 số
bệnh nhân bị trầm cảm nặng. Theo ước tính, có khoảng 5% số bệnh nhân trầm
cảm thật sự đã đi đến kết cục tự vẫn.
Tỉ lệ này cao gấp 25 lần tỉ lệ tự tử của người bình thường. Trên thực tế, khi
một người mắc chứng trầm cảm qua đời, thì cứ 6 trường hợp sẽ có 1 trường
hợp chết bởi nguyên nhân tự tử.
Không có độ tuổi, cấp bậc xã hội hay ngành nghề nào là ngoại lệ của tình
trạng tự tử; hãy nghĩ đến những người nổi tiếng đã kết liễu cuộc đời mình.
Sửng sốt và lạ lùng nhất – nhưng không hề hiếm. là hiện tượng trẻ em tự vẫn.
Ngay cả những đứa trẻ sơ sinh bị tách khỏi mẹ cũng có thể xuất hiện triệu
chứng trầm cảm, dẫn đến việc ngừng phát triển, thậm chí là bỏ ăn cho đến
chết.
Tại sao những người u uất lại thường nghĩ đến việc tự sát, và chúng ta có thể
làm gì để ngăn chặn ý muốn này? Bạn sẽ hiểu được điều này nếu xem xét cách
suy nghĩ của những người có ý định tự sát. Sự bi quan u ám bao trùm tâm trí
họ. Cuộc đời chẳng là gì ngoài một cơn ác mộng khủng khiếp. Khi nhìn lại quá
khứ, toàn bộ những gì họ có thể nhớ được là các thời điểm phiền muộn và u
sầu.
Khi tâm trạng tuột dốc, đôi khi bạn cảm thấy chán nản đến mức nghĩ rằng
bạn chưa từng, và sẽ chẳng bao giờ, thật sự hạnh phúc. Nếu bạn bè hay gia
đình chỉ cho bạn thấy rằng ngoại trừ những lúc bị trầm cảm thì bạn sống khá là
vui vẻ, thì bạn sẽ kết luận rằng họ nhầm rồi, hoặc là họ chỉ đang cố gắng động
viên bạn mà thôi. Điều này là bởi vì trong trạng thái trầm cảm, bạn bóp méo