3.Tư duy sàng lọc.
Bạn chọn một khía cạnh tiêu cực trong bất kỳ tình huống nào và cứ khư khư
chú ý vào đó, rồi nhìn nhận rằng toàn bộ tình huống là tiêu cực. Ví dụ, một
sinh viên bị trầm cảm nghe những sinh viên khác chế nhạo người bạn thân của
mình. Cô điên tiết lên bởi vì cô nghĩ, “Về cơ bản thì con người là như vậy –
cay nghiệt và thô lỗ!” Cô đã bỏ qua một sự thật rằng suốt mấy tháng qua, số
người thô lỗ và cay nghiệt với cô, nếu có, thì cũng chỉ vài người thôi! Vào một
dịp khác, khi cô hoàn tất đợt thi giữa kỳ của học kỳ đầu tiên, cô chắc chắn rằng
mình đã làm sai khoảng 17 câu hỏi trong tổng số 100 câu.
Cô cứ mãi nghĩ đến 17 câu đó và kết luận rằng cô sẽ bị đuổi học vì thi trượt.
Khi cô nhận lại bài thi, ở mặt sau có dòng chữ, “Em làm đúng 83 trong tổng số
100 câu. Cho đến thời điểm này thì đây là điểm số cao nhất trong năm nay.
A+”
Khi bị trầm cảm, bạn đeo một loại mắt kính có bộ tròng đặc biệt có thể loại
bỏ mọi điều tích cực. Những thứ được phép đi vào ý thức của bạn đều tiêu cực.
Bởi vì bạn không nhận thức được “quá trình sàng lọc” này, bạn sẽ kết luận
rằng mọi thứ đều tiêu cực. Tên chuyên ngành cho quá trình này là “trích dẫn
chọn lọc”. Đây là một tật xấu có thể khiến bạn đau khổ một cách không cần
thiết.
4. Tư duy yếu tố tích cực.
Một lối suy nghĩ ảo tưởng còn kỳ lạ hơn nữa chính là xu hướng biến những
trải nghiệm trung tính hay thậm chí là tích cực thành tiêu cực của một số người
mắc chứng trầm cảm. Bạn không chỉ phớt lờ những trải nghiệm tích cực, mà
bạn còn khéo léo và nhanh chóng biến nó trở thành một thứ đối lập khủng
khiếp. Tôi gọi đây là “thuật giả kim ngược.” Các nhà giả kim thời trung cổ
từng mơ ước tìm được phương pháp biến kim loại cấp thấp thành vàng. Nếu
bạn bị trầm cảm, hẳn bạn sẽ phát triển một năng lực hoàn toàn ngược lại – bạn
có thể ngay lập tức biến nỗi hân hoan vàng óng thành một thứ xúc cảm xám xịt