6. Tư duy phóng đại và thu nhỏ.
Một cái bẫy tư duy khác mà bạn có thể vướng phải là “phóng đại” và “thu
nhỏ,” nhưng tôi thường gọi nó là “thủ thuật ống nhòm” bởi vì hoặc là bạn thổi
phồng sự việc lên quá tỉ lệ vốn có của nó, hoặc là bạn thu nhỏ nó lại. Sự phóng
đại thường xảy ra khi bạn nhìn vào lỗi lầm, nỗi sợ hoặc những điểm không
hoàn hảo của bản thân và phóng đại tầm quan trọng của nó: “Mình phạm sai
lầm rồi. Thật kinh khủng! Thật đáng sợ! Tiếng xấu sẽ đồn xa! Uy tín của mình
tiêu tùng rồi!” Bạn đang nhìn lỗi lầm của mình từ đầu cuối của ống nhòm,
khiến cho nó trở nên khổng lồ và biến dạng. Hành động này còn được gọi là
“bi kịch hóa” bởi vì bạn biến các sự kiện tiêu cực thông thường trở thành
những con quái vật trong ác mộng.
Khi nghĩ đến ưu điểm của mình, bạn có thể làm chuyện ngược lại – bạn nhìn
nhầm đầu ống nhòm nên mọi thứ trở nên nhỏ bé và tầm thường. Nếu bạn
phóng đại sự kém hoàn hảo và thu nhỏ ưu điểm của mình, hiển nhiên là bạn sẽ
cảm thấy thua kém.
Nhưng vấn đề không phải ở bạn – mà là ở lăng kính điên rồ mà bạn đang
dán mắt vào!
7. Tư duy lập luận cảm tính.
Bạn xem cảm xúc là bằng chứng của sự thật. Lý lẽ của bạn là: “Tôi cảm thấy
vô dụng, thế nên tôi là người vô dụng.” Kiểu lập luận này khiến bạn lầm
đường lạc lối bởi vì cảm giác của bạn phản ánh suy nghĩ và niềm tin của bạn.
Nếu nó sai lệch – mà chuyện này rất thường xảy ra – thì cảm xúc của bạn sẽ
chẳng có căn cứ gì cả. Các ví dụ của việc lập luận cảm tính bao gồm “Mình
cảm thấy mặc cảm tội lỗi. Vậy nên chắc chắn rằng mình đã làm chuyện xấu xa
gì đó”; “Mình cảm thấy quá sức chịu đựng và tuyệt vọng. Như vậy các vấn đề
của mình hẳn là vô phương giải quyết rồi”; “Mình cảm thấy kém cỏi. Thế nên