Trong cuộc sống thường nhật, suy nghĩ “nên làm, phải làm” tạo ra rất nhiều
xáo trộn không cần thiết về mặt tâm lý. Khi hành động thực tế của bạn không
đáp ứng được các chuẩn mực mà bạn đặt ra, suy nghĩ “nên làm, phải làm” và
“không nên làm” khiến bạn căm ghét bản thân, cảm thấy mặc cảm và tội lỗi.
Khi các biểu hiện hoàn toàn bình thường của người khác không đáp ứng được
chuẩn mực của bạn, mà điều này chắc chắn sẽ thường xuyên diễn ra, bạn sẽ
cảm thấy chua xót và tự cho mình là đúng. Hoặc bạn phải hạ những kỳ vọng
của mình xuống mức thực tế, hoặc bạn sẽ luôn cảm thấy thất vọng vì cách con
người hành xử. Nếu bạn nhận thấy bản thân có tật “nên làm, phải làm” này, thì
tôi có đưa ra nhiều phương pháp hiệu quả để xóa bỏ nó trong những chương
sau nói về mặc cảm tội lỗi và sự tức giận.
9. Tư duy dán nhãn và dán nhãn sai.
Hành động tự dán nhãn cho bản thân nghĩa là bạn tự phác họa bản thân bằng
một hình ảnh hoàn toàn tiêu cực, dựa trên những sai lầm của bạn. Đây là một
hình thức cực đoan của tư duy khái quát hóa quá mức.
Triết lý đằng sau hành động này chính là “Sai lầm của một người chính là
thước đo giá trị của người đó.” Có khả năng bạn mắc chứng tự dán nhãn nếu
bạn miêu tả những sai lầm của mình với các kiểu câu bắt đầu bằng “Mình là...”
Ví dụ, khi bạn đánh hụt lỗ banh gôn thứ 18, có thể bạn sẽ nói rằng, “ Mình là
kẻ thất bại bẩm sinh” thay vì “Mình đánh banh không trúng rồi.” Tương tự, khi
cổ phiếu mà bạn mua bị tụt giá thay vì tăng lên, bạn có thể sẽ nghĩ rằng, “
Mình là kẻ thất bại” thay vì “Mình phạm sai lầm rồi.”
Tự dán nhãn cho bản thân không chỉ khiến bạn nhụt chí, mà còn là một việc
phi lý nữa.
Con người bạn không thể bị đánh đồng với một hành động nào đó mà bạn
thực hiện. Cuộc sống của bạn là một dòng chảy phức tạp và thay đổi không
ngừng của những suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Nói cách khác, bạn giống
như một dòng sông, chứ không phải một bức tượng.