Những suy nghĩ này liên tục diễn ra trong tâm trí bạn hoàn toàn tự động và
thường tạo ra tác động mạnh mẽ lên những gì bạn cảm nhận.
Ví dụ, ngay lúc này đây, hẳn bạn đang có vài suy nghĩ và cảm nhận dành
cho quyển sách này. Nếu bạn chọn đọc nó vì trong bạn đang có nỗi u sầu và
nản chí, thì bạn hẳn đang nghĩ về một điều gì đó tiêu cực hoặc sặc mùi chỉ trích
bản thân, như "Mình là kẻ thất bại. Bị làm sao vậy chứ? Mình chẳng bao giờ
khá nổi. Sách phát triển bản thân vớ vẩn kiểu này thì làm được gì. Suy nghĩ
của mình có bị gì đâu. Vấn đề mình đang gặp ngoài kia thì có." Nếu bạn đang
bực dọc và khó chịu thì có thể bạn sẽ nghĩ: "Thằng cha Burns này đúng là lừa
đảo, chỉ muốn kiếm tiền chứ gì. Có khi lão còn chẳng biết mình đang nói về
cái gì nữa." Còn nếu bạn cảm thấy lạc quan và quan tâm đến chủ đề này, hẳn
bạn sẽ nghĩ thầm, "Nghe cũng hay hay. Biết đâu mình học được cái gì đó thật
sự thú vị và có ích thì sao." Tùy trường hợp, tư tưởng của bạn sẽ sinh ra cảm
xúc.
Ví dụ trên miêu tả nguyên tắc quan trọng cốt lõi nhất của liệu pháp nhận
thức – những gì bạn cảm nhận là kết quả của thông điệp bạn gửi đi cho chính
mình. Trên thực tế, suy nghĩ của bạn tác động đến cảm xúc nội tại nhiều hơn
những gì đang xảy ra trong cuộc sống.
Ý tưởng này không có gì mới mẻ. Gần 2.000 năm trước, triết gia người Hy
Lạp Epictetus đã chỉ ra rằng, con người bị xáo trộn “không phải do gì hết, mà
chính là do quan điểm họ chọn cho mình.”
Như trong Kinh Cựu Ước phần châm ngôn 23:7, bạn sẽ thấy câu:
"Vì hắn nghĩ trong lòng thế nào, thì hắn ra thế ấy." Và thậm chí đại văn hào
Shakespeare cũng thể hiện quan điểm tương tự, ông viết:
"Không có gì tốt hay xấu, tất thảy do suy nghĩ mà ra" (vở Hamlet, màn 2,
cảnh 2).