chẳng hữu ích chút nào bởi tình yêu họ dành cho bản thân và lòng tự trọng
hoàn toàn không hiện hữu. Tóm lại, chỉ có cảm nhận của riêng bạn về giá trị
bản thân mới quyết định cảm xúc bên trong bạn.
Hẳn thắc mắc hiện giờ trong đầu bạn là: “Nói như bác sĩ thì tôi phải làm sao
để biết được giá trị bản thân? Trên thực tế, tôi thấy mình kém cỏi chết đi được,
và tôi tin mình chẳng bằng ai. Không cách nào thay đổi được cảm giác chán
chường đó đâu, bởi con người tôi là thế đó.”
Một trong những điểm chủ chốt của liệu pháp nhận thức chính là nó cương
quyết không tin vào cảm giác vô dụng bên trong bạn. Trong quá trình điều trị
bệnh, tôi cho bệnh nhân trải qua một hệ thống tái đánh giá hình ảnh tiêu cực
của bản thân. Tôi cứ lặp đi lặp lại một câu hỏi duy nhất: “Anh/chị có đúng
không khi khăng khăng với tôi rằng con người bên trong anh/chị là một kẻ thất
bại?”
Bước đầu tiên là xem lại thật kỹ những gì bạn nói về bản thân, khi bạn
khẳng định mình không tốt. Bằng chứng bạn đưa ra để biện minh cho cái vô
dụng của chính mình thường là những thứ vô nghĩa, nếu không muốn nói là lúc
nào cũng vô nghĩa.
Ý kiến này dựa trên nghiên cứu mới nhất của hai bác sĩ Aaron Beck và
David Braff, trong đó chỉ ra rằng: trong tâm trí những bệnh nhân trầm cảm có
sự hiện diện của chứng rối loạn suy nghĩ. Những người mang tâm trạng buồn
rầu được mang ra so sánh với những người bị tâm thần phân liệt và những
người không trầm cảm, về khả năng hiểu được ý nghĩa của những câu châm
ngôn kiểu như “Phòng bệnh hơn chữa bệnh.” Cả hai nhóm tâm thần phân liệt
và trầm cảm phạm rất nhiều lỗi logic và gặp khó khăn trong việc tìm ra ý nghĩa
của câu nói. Họ quá cứng nhắc và không thể khái quát đúng đại ý của vấn đề.
Dù mức độ trầm trọng của khiếm khuyết này ở nhóm trầm cảm không quá
nặng nề, kỳ dị như nhóm tâm thần phân liệt, nhưng rõ ràng là so với nhóm
người bình thường thì các cá nhân này thật bất thường.