Sai lầm mà Nancy mắc phải là chỉ trích vai trò làm mẹ của mình. Kiểu chỉ
trích này khiến cô cảm thấy yếu đuối vì nó khiến cô lầm tưởng rằng mình đang
gặp vấn đề trầm kha không cách gì giải quyết. Cảm xúc buồn phiền do việc tự
dán nhãn khiến cô không thể xác định được vấn đề thật sự, không thể chia nó
ra thành những phần cụ thể, và dĩ nhiên cũng không thể tìm ra giải pháp phù
hợp.
Nếu cô tiếp tục khuất phục cảm xúc thì nhiều khả năng là việc học của
Bobby sẽ lẹt đẹt mãi, còn cô thì càng lúc càng cảm thấy bất lực.
Bạn rút ra bài học gì từ ví dụ của Nancy? Những lúc tưởng chừng bất lực
với chính mình, hãy tự hỏi xem có ích gì nếu bạn cứ mãi gán cho mình những
cái nhãn xấu xí như “đồ đần,” “nỗi ô nhục,”,“đồ ngốc,”... Khi bạn đã nhận ra
mức độ tai hại của kiểu dán nhãn đó, bạn sẽ thấy nó thật tùy tiện và vô nghĩa.
Nó che phủ vấn đề, gây ra cảm giác bối rối và tuyệt vọng. Nếu bạn xóa bỏ
được nó, bạn hoàn toàn có thể xác định và đương đầu với mọi khó khăn thật sự
trong cuộc sống.
Tóm tắt:
Hãy nhớ ba bước quan trọng sau mỗi khi bạn buồn phiền:
1. Nhắm vào những suy nghĩ tự động và viết nó ra giấy. Đừng để nó luẩn
quẩn trong đầu bạn; bắt nó lộ diện trên giấy!
2. Đọc lại danh sách 10 tư duy sai lệch. Ý thức việc bạn đang bóp méo sự
vật sự việc và thổi phồng mọi thứ.
3. Thay vào đó, chọn cách suy nghĩ khách quan hơn để dẹp bỏ sự dối trá
khiến bạn xem thường bản thân. Khi thực hiện được điều này, bạn sẽ bắt đầu
cảm thấy vui hơn. Bạn sẽ bồi đắp lòng tự trọng, và cảm giác vô dụng (dĩ nhiên,
cả cơn trầm cảm nữa) sẽ tan biến.