5: CHẾ NGỰ CHỦ NGHĨA LƯỜI NHÁC
Trong các chương trước, bạn đã học được cách thay đổi tâm trạng thông qua
việc thay đổi lối tư duy.
Vẫn còn một phương pháp khác giúp bạn cải thiện tâm trạng của mình, và
phương pháp này cực kỳ hiệu quả. Con người không chỉ là những sinh vật biết
tư duy, chúng ta còn biết hành động. Do đó, ta hoàn toàn có thể biến đổi cảm
xúc nội tại thông qua việc thay đổi hành vi. Nhưng cách này gặp một trở ngại –
khi bạn bị trầm cảm, bạn không muốn làm gì hết.
Một trong những tác động xấu của chứng trầm cảm là làm tê liệt ý chí của
bạn. Ở thể nhẹ nhất, bạn lần lữa không muốn làm một số việc vốn dĩ bạn
không ưa. Khi tình trạng trở nặng, gần như mọi hoạt động đều có vẻ quá khó
khăn đến nỗi bạn không muốn động tay động chân làm gì cả. Bởi những gì bạn
làm được quá ít ỏi nên càng lúc bạn càng cảm thấy tồi tệ. Bạn không chỉ tự cắt
đứt nguồn cảm hứng, niềm vui trong công việc của mình mà bạn còn thiếu hiệu
quả, và chính điều đó càng gia tăng cảm giác căm ghét bản thân, khiến bạn
càng lúc càng trở nên xa cách, mất năng lực.
Nếu không nhận ra nhà tù cảm xúc mà bạn đang tự giam mình, thì tình trạng
này sẽ còn kéo dài thêm nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa. Sự
thụ động ấy sẽ khiến bạn vô cùng thất vọng nếu bạn từng tự hào về nguồn năng
lượng dồi dào ngày xưa. Chủ nghĩa lười nhác trong bạn còn tác động đến cả
gia đình lẫn bè bạn, những người vốn không hiểu nổi vì sao bạn trở nên như
thế, y như cách bạn bối rối về chính bản thân mình. Họ sẽ cho rằng bạn cố tình
muốn rầu rĩ, nếu không thì bạn đã “tìm việc gì đó để làm rồi”.
Những góp ý kiểu này càng khiến nỗi đau, cảm giác tê liệt trong bạn càng
trầm trọng hơn.