Cách đây tám năm, họ mua hai bức tranh của một họa sĩ; vị họa sĩ đó hiện
đang làm chủ một phòng tranh ở Santa Fe. Khi đến Santa Fe, hai vợ chồng
bà liền ghé thăm phòng tranh này. Tại đây, họ tự giới thiệu mình với cô
nhân viên bán hàng trẻ. “Chúng tôi nói với cô ta là chúng tôi đang có hai
bức tranh rất đẹp của họa sĩ. Chúng tôi muốn ghé qua chào và xem những
tác phẩm mới nhất của ông. Chúng tôi ở đó khoảng một giờ và cô nhân viên
ấy chỉ loay hoay làm mỗi một việc là tìm cách bán thêm tranh cho chúng
tôi. ‘À, bức tranh này được không ạ? Còn bức kia thì sao ạ?’ Cô ta chưa
từng một lần hỏi, ‘Ông bà định sẽ đặt tranh ở đâu? Ông bà thích phong cách
nào?’ mà chỉ cố quảng cáo phong cách mới của ông họa sĩ, ‘Bức này tuyệt
đấy chứ, thưa bà? Nó sẽ rất hợp với nhà của bà đấy.’ Cô ta đâu có biết tôi
đang ở loại nhà nào. Khi vợ chồng tôi bước ra cửa thì cô bán hàng này mới
đưa cho tôi một tấm card có ghi địa chỉ email của cô và nói: ‘Hãy gửi hình
chụp căn hộ của bà cho tôi và tôi sẽ chọn tranh cho bà.’” Cô gái đó đã
không chịu lắng nghe và chắc chắn đã không suy nghĩ như một người đi
mua hàng. Cô đang hành xử đơn thuần như một người bán hàng mà thôi.
Tôi có thể viết đầy một cuốn sách với những chuyện tương tự như thế, vì
mỗi người đều có những câu chuyện riêng của mình. Nếu bạn chơi trò chơi
ghép từ với từ “bán hàng” hay từ “người bán hàng”, thì những từ thường
được liên tưởng là: “đáng ghét”, “hung hăng”, “áp đặt”, “không thành thật”,
và nhiều từ tương tự thế. Chúng ta có xu hướng hiểu người bán hàng theo
nghĩa là các nhân viên tiếp thị qua điện thoại vào đúng lúc người ta đang ăn
tối, nhân viên bán xe hơi, hay những đại lý bán bảo hiểm huênh hoang. Qua
những câu chuyện như thế, hầu hết chúng ta đều tin rằng người bán hàng
chỉ quan tâm đến bản thân và làm tất cả chỉ để bán được hàng mà thôi.
Cuốn sách này sẽ giúp bạn không trở thành hình mẫu như vậy... và nếu bạn
lĩnh hội được những thông điệp trong cuốn sách này, thì người mua hàng
khó có thể gắn bạn với những hình mẫu trên, một khi họ đã làm việc với
bạn.