đồng thời cũng không muốn trở thành một kẻ quấy rầy ông, chính vì thế mà
tôi sẽ chờ sự phản hồi từ ông. Chúng tôi sẽ không cố gắng tiếp tục liên hệ
với ông, trừ phi ông còn cần tới chúng tôi và liên hệ lại.”
Giọng điệu biểu lộ sự xin lỗi (Chúng tôi rất tiếc đã làm mất thời giờ của
ông.) Thông điệp mang tính thực tế (Chúng tôi nghĩ rằng mọi việc đang
theo đúng hướng... đây là điều chúng tôi giả định... việc ông không phản
hồi cho thấy rằng đã có điều gì thay đổi.) Tim nói rằng thường thì anh sẽ
nhận được một email hồi đáp trong vòng một vài giờ với nội dung kiểu như,
“Không, hãy thư thư cho tôi một chút. Tôi rất lấy làm tiếc. Dạo này tôi bận
quá. Bên chúng tôi vừa cải tổ lại. Tôi có vài việc gia đình cần giải quyết.”
Hầu như là luôn luôn, các khách hàng tiềm năng đều viện dẫn một vài lý do
nào đó thật thuyết phục để giải thích cho việc mình không thể trả lời sớm
hơn. Tim nói, “Thông thường khách hàng hay khách hàng tiềm năng sẽ
quay lại và nói rằng, ‘Tôi rất xin lỗi. Vâng, tôi đã nhận được email của anh
rồi, nhưng mong anh thông cảm cho, vì bận quá nên tôi chưa trả lời kịp,
nhưng xin anh vui lòng đừng rút lui khỏi công việc này.’ Một khi tôi nói tôi
không muốn làm phiền họ nữa thì thể nào họ cũng nói là họ vẫn còn quan
tâm đến vụ này.”
Tim nói rằng, theo kinh nghiệm của anh, hầu hết các nhân viên bán hàng sẽ
tiếp tục để lại lời nhắn và liên tục gởi email cho các khách hàng. “Tôi dạy
nhân viên kinh doanh rằng, các anh có thể tạo dựng nghề nghiệp bằng cách
tìm những câu trả lời ‘Có’ hoặc ‘Không’. Cả hai đều là những câu trả lời
tốt, nhưng dĩ nhiên là ‘Có’ thì vẫn tốt hơn. Còn ‘Có lẽ’ mới chính là câu trả
lời làm bạn thất bại hoàn toàn. Hãy làm sao để khách hàng tiềm năng của
bạn nói ‘Có’, hay cho phép họ nói ‘Không’. Còn những cuộc trao đổi, trò
chuyện mà không được đáp trả, không hướng tới kết quả rõ ràng, chính xác
thì chỉ tổ giết thời gian.” Và bạn đừng có quên là cam kết của khách hàng
có thể là “Không”, và như thế cũng không phải là tồi đâu.