1. Sản phẩm: Đừng bắt chước Trung Quốc là lời nhắc nhở hàng ngày.
Trừ những hàng có đặc tính siêu cấp và độc đáo, chúng ta không thể
cạnh tranh với hàng Trung Quốc tại sân nhà của họ. Ngoài các nông
hải sản mà Trung Quốc thiếu hụt, như cà phê, trái cây nhiệt đới, những
mặt hàng tiêu dùng Việt Nam như đồ gỗ hay giầy dép phải có thiết kế
mỹ thuật cao cấp kiểu Ý, Pháp…
2. Đối tác: Kiên nhẫn tìm cho được một đối tác lớn mạnh, tin cậy và thân
tình. Không mấy doanh nhân nước ngoài có thể vận hành tốt hệ thống
tiếp thị và cung ứng trong một thị trường phức tạp như Trung Quốc.
Chúng ta cũng cần tạo dựng những quan hệ lâu dài với doanh nhân và
quan chức, từ trung ương đến địa phương.
3. Thị trường: Nhắm vào thị trường trung lưu và trẻ trung. Ít doanh
nghiệp Việt có bề sâu về quản trị và thương hiệu như Âu Mỹ để xâm
nhập hữu hiệu vào thị trường thượng lưu. Còn thị trường rẻ tiền thì
nên chào thua trước vì doanh nghiệp Trung Quốc đã làm bá chủ.
Ngành nghề tiềm năng là quán ăn Việt, hàng hóa đặc thù Việt, công
nghệ cao kết hợp với giải pháp đặc biệt cho Á Châu…
4. Chiến lược: Suy nghĩ dài hạn và độc đáo. Có thể bạn phải vấp ngã
nhiều lần trước khi tìm được mô hình kinh doanh hiệu quả. Sử dụng
tối đa nhân viên và tư vấn Trung Quốc để hòa đồng vào môi trường và
phong cách. Tìm hiểu con người và văn hóa Trung Quốc để biết thế
mạnh yếu của doanh nghiệp mình.
Tôn Tử nhắc chúng ta là: “Kết quả của trận chiến đã được quyết định trước
khi hai bên khai hỏa”. Những cân nhắc, chuẩn bị và sáng tạo là vũ khí lớn
nhất khi bạn đi vào một vùng đất lạ. Qua những cánh đồng sa mạc và khu
rừng rậm hoang dã, bạn sẽ tìm thấy một dòng suối ngọt ngào cạnh một khu
vườn đầy hoa thơm trái lạ. Đó là một chuyện ngụ ngôn khá phổ thông ở
Trung Quốc, nhưng cũng có thể là bản đồ của con đường “đi vào Trung
Quốc” cho các doanh nghiệp Việt? Mời bạn lên đường.