Thứ hai, tính cách hồn nhiên và lạc quan là một bản tính của dân tộc. Tính
hồn nhiên và lạc quan này có lẽ đóng vai trò cao trong bảng đánh giá chỉ số
hạnh phúc quốc gia do các tổ chức quốc tế thực hiện. Những người sống ở
nước ngoài nhiều như anh Trần Sĩ Chương, anh Alan Phan... đều không lạ,
ở nhiều dân tộc Âu - Mỹ, dân chúng thường nặng về suy tư, nặng về lý
tính, nặng về so sánh hơn người Việt Nam, những người phương Đông.
Đó chính là lý do khiến tôi coi những chỉ số hạnh phúc quốc gia, chỉ số lạc
quan như đã được công bố không có tính chất khoa học nhiều lắm, mà có
tính chất cảm tính, tính tâm lý nhiều hơn.
Nhà báo Thu Hà: Vẫn câu hỏi đó, mời quí vị nghe lý giải của một vị khách
khác là ông Trần Sĩ Chương.
Ông Trần Sĩ Chương: Tôi có góc nhìn khác.
Ví dụ, nếu lấy giai đoạn 20 năm vừa qua, thì sẽ thấy mỗi năm sau khá hơn
năm trước. Nếu họ vẽ lại một biểu đồ thể hiện hai mươi năm đó, mỗi năm
điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình mình khá hơn thì như vậy họ hoàn
toàn có thể lạc quan cho tương lai.
Cho nên để luôn cảm thấy hạnh phúc hãy cố gắng tạo ra những niềm vui
chờ đợi ở phía trước, tự nhiên sẽ có cảm giác lạc quan.
Nhà báo Thu Hà: Có phải ông muốn nói đến cái gốc của lạc quan?
Ông Trần Sĩ Chương: Chính xác. Sở dĩ người ta tranh cãi nhau nhiều về
chuyện “thế nào là hạnh phúc, làm sao để có hạnh phúc”, mà rút cuộc
chẳng bao giờ thống nhất được quan điểm chính là vì người ta thường nghĩ,
hạnh phúc hay bất hạnh phụ thuộc vào việc ta có hay không có cái gì.
Người ta cảm thấy hạnh phúc, phấn chấn khi cảm nhận được điều tốt đẹp
đang chờ phía trước, và ngược lại, nguyên nhân mang tới cảm giác bất
hạnh là việc người ta không tự thỏa mãn với những gì đang có.
Nhà báo Thu Hà: Qua hai ý kiến vừa rồi, chắc hẳn độc giả cũng muốn
nghe ý kiến của vị khách mời thứ ba. Xin mời TS. Alan Phan.