ngược lại. Rõ ràng, Nhật bị coi là quốc gia có số vụ tự tử nhiều nhất, nếu ai
từng qua Nhật sẽ thấy người dân khá nghiêm túc, ít khi cười. Trong khi đó,
ở bên châu Phi, người ta cười hát cả ngày. Cười nhiều thì ít bức xúc hơn.
Có lẽ cảm giác thỏa mãn còn có cả yếu tố văn hóa, gien di truyền...
Ông Trần Sĩ Chương: Đương nhiên. Vừa rồi TS. Alan Phan đã dẫn chứng
câu chuyện ở Hồng Kông. Vì sao các ông chủ người Hồng Kông kém vui
hơn người giúp việc, bởi vì họ có nhiều thứ phải suy tư hơn, lo toan hơn, áp
lực hơn. Những người giúp việc làm những việc giản đơn, cuối tháng lĩnh
lương, có gì mà phải stress.
Tôi vẫn cho rằng, cảm giác hạnh phúc hay lạc quan là cảm nhận cá nhân
không thể đo lường được, nó tùy thuộc phần lớn vào trạng thái, hoàn cảnh
của mỗi người, chính phủ chỉ có một vai trò phụ, ngoại trừ khi chính phủ
làm cho môi trường sống hàng ngày quá bi đát.
Kỳ 2: “Điều gì quan trọng hơn: Ít bực mình hay hạnh
phúc?”
Có một nghịch lý là nhiều quốc gia chậm phát triển có chỉ số hạnh phúc
vượt trội so với các quốc gia tiên tiến có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên,
người dân tại các quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao vẫn có nhu cầu tìm đến
và xin được định cư ở những quốc gia có chỉ số hạnh phúc thấp. Nên hiểu
nghịch lý này như thế nào? Tại kỳ 2 cuộc tọa đàm Chính sách quốc gia và
Hạnh phúc của dân, các vị khách mời đã có những góc nhìn thú vị.
Nhà báo Thu Hà: Theo các vị, chính sách quốc gia, liệu có tác động thế
nào đến cảm giác hạnh phúc của người dân?
TS. Alan Phan: Dĩ nhiên, chính sách quốc gia có ảnh hưởng đến thu nhập
và môi trường sống của mỗi người dân, chưa nói đến những cảm nhận tinh
thần về bất công hay bất bình đẳng xã hội hay niềm tự hào dân tộc, không
đo lường được...