Vai trò của các chính phủ là tạo điều kiện và môi trường để người dân tự đi
tìm hạnh phúc cho riêng mình. Nếu không có việc làm với đồng lương khá
thì rất khó để người ta chăm sóc gia đình theo cách họ muốn, từ việc cho
con cái một nền giáo dục bài bản đến việc làm cho căn nhà đang ở được
thoải mái hơn. Muốn cho chất lượng sống của người dân tốt hơn, các quan
chức chính phủ phải có một quyết sách rõ ràng minh bạch nhằm tạo dựng
một môi trường sống ổn định về vật chất (lợi tức, giáo dục, y tế, an toàn,
giao thông, giải trí...) và thư giãn về tâm thần (công bằng, văn minh, hài
hòa...). Chỉ thế thôi.
Một chính phủ mà càng có nhiều tham vọng, thích tạo đủ loại thành tích,
thì sẽ làm khổ dân, vì mọi kế hoạch của chính phủ đều cần đồng tiền, mồ
hôi và công sức của dân... và sự lãng phí các tài nguyên này sẽ làm thiệt hại
mọi tăng trưởng kinh tế; cũng như sẽ làm mất niềm tin từ người dân.
Ông Trần Sĩ Chương: Theo quan niệm của tôi, chính phủ làm gì cũng
phải nhằm mục tiêu đem lại cho người dân một cuộc sống an toàn, cung
cấp những nhu cầu căn bản, tức là đưa ra cơ sở để có thể tạo ra hạnh phúc.
Còn mỗi người dân họ có cảm nhận được hạnh phúc hay không đó hoàn
toàn là chuyện của họ.
Theo tôi, chính phủ tạo điều kiện bảo đảm cho đời sống của người dân tốt
hơn, thu nhập của người dân cao hơn, làm cho môi trường sống của họ an
toàn hơn thôi.
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Đúng là chính phủ chỉ có thể đảm bảo những
điều kiện căn bản giúp người dân hạnh phúc thôi (tạo ra cái nhà), còn việc
người dân có hạnh phúc thế nào thì tùy thuộc ở họ. Ví dụ, ai đó vừa bị vợ
bỏ thì cho dù vẫn sống trong nhà đó nhưng họ không thể có hạnh phúc,
đúng không?
Bàn về hạnh phúc bây giờ mình phải nhìn trên căn bản của con người. Dẫn
ví dụ này để mọi người dễ hình dung. Nếu ai đó đã ở tầm tuổi 50 - 60 tuổi
trở đi mà không có một bà vợ ở bên cạnh chăm sóc thì đó là điều bất hạnh.
Không biết các anh có đồng ý như vậy không?