Như ở kỳ 1 cuộc tọa đàm này chúng ta đã nhất trí, hạnh phúc là khi những
nhu cầu của người ta được đáp ứng đúng. Mà mỗi người có nhiều nhu cầu
lắm, nhu cầu lại theo tuổi tác, văn hóa sống... cho nên đó là vấn đề hoàn
toàn cá nhân, chính phủ không có một vai trò gì trong việc tạo hạnh phúc
hết, nhưng đáng chú ý là chính phủ hoàn toàn có khả năng làm cho người ta
không hạnh phúc.
TS. Alan Phan: Nếu ông chính trị gia nào khẳng định sẽ làm cho dân hạnh
phúc thì đó chỉ là trò chơi chính trị của người muốn đi kiếm phiếu. Anh có
thể ra kế hoạch là kinh tế nên phát triển theo chiều hướng này, mức tăng
trưởng hay lạm phát mỗi năm phải ở mức độ nào.... đó là lời hứa, là mong
muốn sẽ tạo ra điều kiện như vậy, nhưng việc có đạt được hay không lại do
nhiều yếu tố khác chi phối.
Nhà báo Thu Hà: Thưa quý vị, trong bối cảnh không phải người nông dân
nào cũng có ruộng để làm, không phải sinh viên nào ra trường cũng kiếm
được việc, cứ ra đường là kẹt xe, ô nhiễm... trước những mối lo có thực
này, liệu người dân có thể hạnh phúc hay lạc quan được không?
TS. Nguyễn Tường Bách: Xưa nay chúng ta chỉ đo những chỉ số về tăng
trưởng, về tầm sản xuất quốc gia để nói về hạnh phúc người dân. Nhưng rồi
người ta nhận ra chỉ số đó quá nghiêng hẳn về một bên, phiến diện nên
người ta mới đặt vấn đề nên chăng là có dạng khác để đo đời sống tâm lý
của người dân?
Tôi nghĩ việc đo chỉ số hạnh phúc không phải chỉ là thủ thuật chính trị. Có
lẽ, trong tiến trình phát triển của nhân loại đang có khuynh hướng dùng
những tiêu chí khác để đo lường sự thành công của chính sách quốc gia.
Chúng ta không nên đánh giá quá thấp những cố gắng này, có lẽ những
thông số này là những thử nghiệm đầu tiên. Nhưng vì là thử nghiệm nên có
thể kết quả chưa hoàn hảo, hình ảnh khá méo mó. Nhưng dù sao ta cũng
nên xem đó là thử nghiệm đầu tiên và không chừng một vài năm nữa người
ta có những phương pháp đo chính xác hơn, phản ánh phần nào đời sống
tâm lý của dân chúng.