tạp chí. “Tôi không can ông mua vào đợt phát hành sắp tới. Hấp dẫn
đấy, họ mời giá thật ngon.” Trái lại, với một số chứng khoán cũ, do
không nhớ đích xác vì tên chúng dễ lẫn với tên của những cổ phiếu
tương tự, cha tôi mở ngăn kéo đưa thẳng cho vị cựu đại sứ xem. Tôi
nhìn, thích mê, những tờ phiếu trang trí bằng những hình tháp nhà thờ
nhọn hoắt và những hình tượng phúng dụ như một số sách lãng mạn cổ
ngày xưa tôi từng giở lướt qua. Tất cả những gì cùng thời đều giống
nhau; những họa sĩ minh họa cho thơ ca của một thời kỳ cũng chính là
những người được các công ty tài chính thuê làm việc cho họ. Và
không gì gợi nhớ đến một số đoạn trong Nhà thờ Đức Bà và trong
những tác phẩm của Gérard de Nerval như tôi thường thấy chúng được
treo ở mặt trước cửa hàng tạp hóa ở Combray, hơn hình ảnh những thần
sông nước rước một biểu tượng cổ phiếu định danh của Công ty vận tải
đường sông, đóng khung chữ nhật viền hoa.
Thái độ coi rẻ của cha tôi đối với kiểu thông minh của tôi được lòng
âu yếm điều chỉnh đủ mức để khiến tình cảm của ông, nói chung, đối
với tất cả những gì tôi làm là một thứ độ lượng mù quáng. Cho nên cha
không ngần ngại bảo tôi đi tìm lại một bài thơ văn xuôi tôi làm hồi xưa
ở Combray sau một cuộc đi dạo trở về. Tôi đã viết bài thơ ấy với một
niềm hứng khởi mà tôi cảm thấy nó ắt phải truyền sang người đọc.
Nhưng chắc nó không chinh phục được ông De Norpois, bởi khi trả lại
tôi, ông không nói lời nào.
Mẹ tôi, rất tôn trọng công việc của chồng, rụt rè đến hỏi xem đã có
thể dọn ăn được chưa. Mẹ sợ ngắt quãng một câu chuyện mà mẹ không
có phận sự xen vào. Và quả vậy, cha tôi luôn luôn nhắc ông hầu tước
nhớ một biện pháp hữu ích nào đó mà hai ông đã quyết định sẽ ủng hộ
vào kỳ họp tới của ủy ban và cha tôi nhắc vậy bằng cái giọng đặc biệt
mà hai đồng nghiệp có chung những kỷ niệm tạo nên bởi thói quen
nghề nghiệp thường sẽ cùng có khi ở một môi trường khác - về điểm
này, họ giống như hai cậu học trò - những kỷ niệm mà người khác
không thể hiểu được, bởi thế họ xin lỗi khi nhắc tới chúng trước mặt
mọi người.