chúng tôi ăn tối trong phạm vi gia đình, không mời khách và đã tìm lại
được cái phong cách vô song của mình hồi ở Combray.
“Đây là thứ mà ta không thể có được ngoài tiệm ăn, tôi muốn nói
những tiệm ăn hạng nhất ấy: một món thịt bò nấu đông mà nước đông
không có mùi keo còn thịt bò thì thơm vị cà rốt, thật tuyệt! Cho phép
tôi được dùng tiếp,” ông vừa nói thêm vừa ra hiệu muốn được tiếp
thêm nước đông. “Tôi những tò mò muốn được biết tài vua bếp Vatel
của ông bà khi xử lý một món hoàn toàn khác, chẳng hạn, món bò
Stroganof
.”
Để góp phần mình cho bữa tiệc thêm rôm rả, ông De Norpois kể cho
chúng tôi nhiều chuyện mà ông thường hay “thết” các đồng nghiệp
trong ngành, lúc thì dẫn những câu lố bịch của một chính khách quen
thói dài dòng văn tự với những hình ảnh chẳng đâu vào đâu, khi lại nêu
một mẫu câu súc tích đầy ý vị nào đó của một nhà ngoại giao tinh tế.
Nhưng thật ra, đối với ông, cái tiêu chí phân biệt hai loại câu ấy tuyệt
nhiên không giống cái tiêu chí mà tôi áp dụng vào văn chương. Khá
nhiều sắc thái tôi không nắm được; những câu ông vừa viện dẫn vừa
phá lên cười, tôi thấy chả khác gì lắm với những câu ông thấy là đặc
sắc. Ông thuộc loại người thường nói về những tác phẩm tôi thích như
sau: “Vậy là cậu hiểu ư? Ta thì thú thật là ta không hiểu, ta chưa được
khai tâm”, nhưng hẳn tôi cũng có thể trả miếng ông như thế: tôi không
nắm bắt được những gì ông thấy là trí tuệ hay ngu ngốc, hùng hồn hay
khoa trương nói một câu đối đáp hay một diễn từ, và tôi chẳng thấy có
lý do gì rõ ràng khiến bài này thì dở, bài kia thì hay, thành thử đối với
tôi thứ văn chương ấy bí hiểm hơn, tối nghĩa hơn bất kỳ thứ văn
chương nào. Tôi chỉ vỡ lẽ ra rằng trong chính trị, nhắc lại những gì mọi
người đều nghĩ không hề chứng tỏ mình kém, mà còn là dấu hiệu của
sự ưu việt. Khi ông De Norpois dùng một số từ ngữ la liệt trên mặt báo
với cách phát âm mạnh mẽ, người ta cảm thấy chỉ riêng việc ông sử
dụng chúng đã khiến chúng trở thành một hành động, mà là hành động
khiến người ta phải bàn luận.