“Tuy nhiên, anh đã nhìn nó khá kỹ mà. Như thể anh định vẽ chân
dung nó vậy,” nàng nói, mặc dầu thấy rõ lúc này đây, chính mình mới
là người mà tôi đang đăm đăm nhìn, nàng vẫn không hề dịu đi. “Tuy
nhiên, tôi không tin là ông có thể thích nó. Nó chẳng lả lơi chút nào.
Ông thì phải yêu những cô gái lả lơi. Dù sao đi nữa, nó cũng sẽ không
còn có cơ hội bám theo ông để rồi bị cho rơi, bởi vì nó sắp phải về
Paris rồi.”
“Các bạn khác của cô có cùng về không?”
“Không, chỉ mình nó với bà gia sư người Anh của nó thôi, vì nó phải
thi lại, nó sắp sửa phải ‘cày’, tội nghiệp con bé. Tôi đảm bảo với anh là
chẳng vui vẻ gì. Nhưng cũng có khi trúng ‘tủ’, tình cờ mà! Như một
đứa bạn của chúng tôi vớ được cái đề: ‘Hãy kể lại một tai nạn mà em
đã chứng kiến.’ Thật là may. Nhưng tôi biết một cô phải luận bàn (mà
là bằng văn viết nhé!): ‘Giữa Alceste và Philinte
, em ưng chọn ai làm
bạn?’ Tôi mà vớ phải đề ấy thì trượt là cái chắc! Trước hết, ai lại đi hỏi
con gái một câu như thế! Con gái thì chơi với con gái chứ đâu có tư
cách để đánh bạn với đàn ông. (Câu này cho tôi thấy mình chẳng có
mấy cơ may được chấp nhận vào cái băng nhóm nhỏ này, khiến tôi run
sợ.) Nhưng dù sao đi nữa, ngay cả nếu đặt câu hỏi ấy cho con trai, thì
liệu họ sẽ trả lời như thế nào? Nhiều gia đình đã viết thư cho báo Le
Gaulois
phàn nàn về độ khó của những câu hỏi như vậy. Điều đặc biệt
là trong một tuyển tập những bài làm hay nhất của những học sinh
được giải, có hai bài luận bàn đề tài theo hai cách hoàn toàn đối lập
nhau. Tất cả tùy thuộc vào giám khảo. Ông này muốn thí sinh nói
Philinte là một kẻ nịnh bợ và xảo trá, ông kia thì ủng hộ lập luận: tuy
không thể không ngưỡng mộ Alceste, nhưng anh ta quá cằn cặt và nếu
muốn kết bạn thì vẫn nên chọn Philinte hơn. Vậy làm sao các cô học trò
khốn khổ biết đường mà lần khi mà chính các giáo sư cũng không đồng
ý với nhau? Hơn thế nữa, mỗi năm lại một khó hơn. Gisèle sẽ chỉ qua
được nếu biết chạy chọt đúng chỗ.”