tay lão luyện, trái với thái độ mực thước thường ngày, ông De Norpois
đáp:
“Tuyệt hảo.”
Và biết rằng việc thú thật một người đàn bà đã gây ấn tượng mạnh
đối với mình, miễn là mình nói vậy với giọng bông lơn, thuộc một dạng
được đặc biệt đánh giá cao trong nghệ thuật trò chuyện, ông khẽ cất
một nhịp cười kéo dài mấy giây, khiến đôi mắt xanh trở nên ươn ướt và
làm rung hai cánh mũi hằn những đường vân đo đỏ.
“Bà ta thật duyên dáng tuyệt trần!”
“Có phải một ông nhà văn tên là Bergotte cũng dự bữa ăn tối đó
không, thưa ông?” tôi rụt rè hỏi nhằm cố giữ cho câu chuyện vẫn xoay
quanh ông bà Swann.
“Phải, Bergotte cũng có mặt ở đó,” ông De Norpois đáp, lịch sự
nghiêng đầu về phía tôi, như thể, do muốn tỏ ra thân ái với cha tôi, ông
thật sự coi trọng tất cả những gì liên quan đến cha tôi, kể cả những câu
hỏi của một thằng bé ở tuổi tôi, vốn không quen được những người lớn
tuổi như ông đối xử lễ độ đến thế. “Cậu có quen ông ấy không?” ông
hỏi thêm, đăm đăm nhìn tôi bằng ánh mắt ngời sáng mà Bismarck
thường khâm phục là sắc sảo soi thấu lòng dạ người đối chuyện.
“Con trai tôi không quen, nhưng rất ngưỡng mộ ông ấy”, mẹ tôi đỡ
lời.
“Lạy Chúa, tôi không chia sẻ cách nhìn ấy,” ông De Norpois nói
(ông khiến tôi đâm nghi ngờ trí thông minh của chính mình, gieo trong
tôi những ngờ vực còn nghiêm trọng hơn những nghi hoặc thường
giằng xé tôi khi tôi thấy rằng điều mà tôi đặt hàng nghìn lần cao hơn
bản thân tôi, điều mà tôi cho là cao cả nhất trên đời, đối với ông lại ở
bậc dưới cùng chiếc thang những giá trị ông ngưỡng mộ). “Bergotte là
thứ mà tôi gọi là một gã thổi sáo; vả chăng, phải công nhận rằng ông ta
thổi nghe êm tai mặc dù kiểu cách và cầu kỳ
. Nhưng rốt cuộc, chỉ đến
thế thôi và thế thôi có nghĩa là chẳng ghê gớm gì. Chẳng bao giờ người
ta tìm thấy ở những tác phẩm ẽo uột của ông ta cái gì có thể gọi là cái