còn cách rời đất liền, ít nhất cũng vào những thế kỷ đầu tiên của Hy
Lạp, điều khiến tôi có thể thật lòng xướng to những câu thơ của “bố già
Leconte” mà Bloch rất yêu thích:
Xa rồi, những vị vua của những chiến thuyền tua tủa
Mang theo trên biển cả bão bùng
Những tráng sĩ râu hùm của Hy Lạp anh hùng
Tôi cũng không thể tiếp tục coi khinh những người làm mũ phụ nữ vì
Elstir bảo tôi rằng cái động tác nhẹ nhàng khéo léo khi họ nắn hay vuốt
lại lần cuối những chiếc nơ hoặc những chiếc lông cắm trên một chiếc
mũ đã hoàn thành, là một nét ông quan tâm thể hiện khôn kém động tác
của người jôkề (điều khiến Albertine rất đắc ý). Nhưng muốn gặp một
người làm mũ phụ nữ thì phải đợi đến khi tôi về Paris và muốn xem
đua ngựa hoặc đua thuyền (từ giờ đến cuối năm, không có cuộc nào
được tổ chức) thì phải đợi đến khi tôi trở lại Balbec năm sau. Ngay cả
một du thuyền với những thiếu phụ mặc đồ phin nõn trắng, lúc này
cũng chẳng tìm đâu ra.
Chúng tôi vẫn thường gặp các em gái của Bloch mà tôi buộc phải
chào hỏi kể từ khi tôi được mời ăn tối với cha họ. Các bạn gái của tôi
không quen biết họ. “Tôi không được phép chơi với người Israel,”
Albertine nói. Cái cách nàng phát âm chữ “Israel” thay vì “Izrael” đủ
để chỉ rõ - ngay cả nếu ta không nghe thấy đoạn đầu câu - rằng những
cô gái con nhà trưởng giả ngoan đạo này không hề có thiện cảm với
dân tộc “được Chúa chọn” và hẳn dễ dàng tin rằng người Do Thái cắt
cổ trẻ con theo đạo Thiên Chúa. “Với lại, các cô bạn gái của anh có vẻ
chẳng đứng đắn gì cho lắm,” Andrée nói với một nụ cười ngụ ý nàng
thừa biết đó không phải là “bạn gái” của tôi. “Cũng như tất cả những gì
dính dáng đến cái bộ tộc ấy,” Albertine chêm vào với cái giọng ra vẻ
trịnh trọng của một người từng trải. Nói cho đúng, mấy cô em gái của
Bloch, vừa mang quá nhiều trang phục vừa hở hang, vẻ lả lướt mà táo