che miệng ly lên chút xíu. - Thật đáng tiếc, thật đáng tiếc. Vì tôi tin rằng,
đây là một ý tưởng cực hay, vô cùng vĩ đại. Sau này, có khi sẽ kiếm được
một người nghiện rượu thứ ba muốn chia tay với rượu, rồi người thứ tư, thứ
năm, người thứ một trăm, thứ mười ngàn. Chả chừng sẽ hình thành một đội
quân quốc tế những người nghiện rượu ủng hộ cai rượu. Ông Pawel ơi, hôm
nay ông mà không uống, thì chắc chúng mình sẽ đi vào lịch sử như là
những người sáng lập ra phong trào quốc tế này. Chỉ tiếc rằng...
- Tiếc cái gì cơ? - ông Kubica hỏi, còn lạc giọng hơn lúc ban đầu. Không
phải tất cả những gì ông bác sĩ nói đều lọt được vào đầu ông nội tôi, tuy
nhiên những gì lọt vào được khiến ông tôi ngỡ ngàng.
- Tiếc cho Ba Lan, - bác sĩ, giọng xót xa, nói. - Thật tiếc cho Ba Lan. Ba
Lan có thể dẫn đầu, nhưng kiểu này thì chắc Mỹ sẽ vượt chúng ta mất thôi.
- Mỹ, - ông nội nhắc lại theo phản xạ, ông chạnh nhớ nước Mỹ, nơi cách
đây mười năm, từ đó ông trở về Tổ quốc, ông nhớ đôi mắt xanh của nàng
Jennifer, con gái một mục sư, đã hai lần ông đi chơi với nàng. Họ cùng
nhau cuốc bộ trên đường mòn chạy giữa cánh đồng ngô rộng bạt ngàn, phía
đàng xa nom thấy sông Mississippi rộng mênh mông như biển rộng. Ông
nội tôi không hiểu, cô con gái mắt xanh của mục sư nói gì với ông, nhưng
ông rất muốn Jennifer bộc lộ tình cảm mãnh liệt với ông, xúi ông ở lại Mỹ
mãi mãi, ông muốn cô nàng kể về ngôi nhà gỗ, nơi hai trái tim vàng khả dĩ
chung sống cùng nhau, đó phải là ngôi nhà gỗ có cửa sổ nhìn ra sông
Mississippi hùng vĩ.
- Tiếc cho Ba Lan, - bác sĩ nhắc lại, - tiếc cho cuộc đời, tiếc cho chúng ta.
- Đường nào chả thế, ở đâu cũng vậy, ở Ba Lan hay ở Mỹ, đường nào thì
rồi chúng ta cũng sẽ về nơi chín suối thôi mà, - ông nội tôi nói, và ông tận
mục sở thị bàn tay của bác sĩ chẳng những đã quy hàng mà còn thôi che kín
miệng ly, thậm chí ông ta còn có hành vi đầy tế nhị, đẩy nhẹ cái ly rỗng về
phía chai rượu Baczewski vẫn còn đầy.
Và thế là ông nội tôi rót rượu cho bác sĩ, cả hai cạn ly và cả hai cùng nói: