Tôi không nói tiếng nước ngoài, tuy nhiên các nữ nhân viên trị liệu tác
động lên tôi mạnh đến nỗi đôi khi tôi cảm thấy: lát nữa là tôi sẽ nói tiếng
nước ngoài cho mà xem. Vốn tiếng Đức của tôi ngủ kỹ từ hồi tôi bé tí xíu,
bừng tỉnh; tiếng Nga hồi tôi học phổ thông bỗng dưng trở thành ngôn ngữ
đọc thông viết thạo của tôi; tiếng Anh, môn ngoại ngữ không bao giờ tôi
chịu học đến nơi đến chốn, lúc này trở nên trôi chảy. Làm gì có chuyện, tại
Trung tâm cai nghiện rượu này bỗng dưng có người nói được mấy thứ tiếng
nước ngoài liền.
Szymon Sama Dobroc quan sát sắc mặt của các “bạn chiến đấu” đang
hiện diện trong giảng đường hình bán nguyệt và gã nhận thấy, sau một tuần,
sau ba tuần, sau một tháng học hành, những gương mặt này đang càng ngày
càng tỏ ra cao thượng và biết phục tùng, mũi nhợt nhạt, mắt sáng ngời. Học
viên Cá Nhân Lao Động Tiên Tiến thay đổi đến mức chẳng thể nhận ra.
Mới gần đây thôi đầu gã vẫn còn sưng tấy như bơm khí neon, tóc bạc rối
tung, áo quần xộc xệch, tay run như cầy sấy. Còn bây giờ bộ dạng gã nom
ra sao? Người mảnh mai thon thả, gương mặt nam nhi rám nắng, đầu bạc,
tóc rậm, áo sơ mi vải flanen kẻ ô vuông đỏ-đen lịch sự, hai cánh tay rắn
chắc, động tác chuẩn xác khi cầm cốc cà phê lúa mạch. Học viên Cá Nhân
Lao Động Tiên Tiến bây giờ nom chẳng khác gì anh ruột của Clint
Eastwood
.
Bây giờ các học viên cai nghiện rượu đang phục hồi thị giác, thính giác
và giọng nói của mình. Tên Khủng Bố Hiếm Có Trên Trần Đời là một thí
dụ. Không biết tôi đã nói chuyện này chưa: Giọng khàn, lí nhí, khó nghe
của gã từng gây khó khăn cho tôi trong việc ghi lại những câu chuyện lộn
xộn không đầu chẳng đuôi của gã. Giọng đẹp lừng danh của Jan Himisbach
từng hoàn toàn biến mất, dây thanh âm của gã hỏng trầm trọng. Còn bây
giờ thì sao? Sau mấy tuần ngồi ghế giảng đường? Bây giờ Tên Khủng Bố
Hiếm Có Trên Trần Đời nói thứ giọng chẳng những có thể hiểu được gã nói
gì, mà người nghe còn cần phải nhớ đời câu nói của gã. Gã chặn tôi ngoài
hành lang đoạn thì thầm vào tai tôi một cách thân tình: