Nghe tướng quốc thái úy nói về sức mạnh của người Nguyên, cả triều
đình im phăng phắc. Không hiểu trong suy tư, các quan nung nấu lòng căm
giận ngoại bang hay đang ngấm ngầm sợ hãi nó. Ngưng trong giây lát, Trần
Quang Khải lại tiếp:
- Tâu bệ hạ, thưa các quan, ta phải biết đầy đủ sức mạnh của giặc để
có kế sách chống lại chúng chứ không phải để sợ chúng. Nói xong ông vái
nhà vua và lui về chỗ.
Vua Thánh tông bèn dụ:
- Chư khanh, tình thế diễn biến sẽ đúng như tướng quốc thái úy vừa
tâu báo. Vậy chư khanh thử bàn kế sách cự giặc, nếu như quân Nguyên xâm
lăng cõi bờ ta. Thực tình, nếu chỉ so sánh lực của ta với lực của nhà Nguyên
mà ta bàn kế chống lại họ thời chẳng khác đem trứng chọi với đá, tựa như
châu chấu đá xe. Nào ta cứ bàn cho cạn nhẽ.
Ngự sử đại phu, thủy quân đại tướng Lê Phụ Trần xuất ban nói:
- Tâu bệ hạ, thưa các đồng liêu, hiện nay nước Nguyên quả là một
nước mạnh nhất dưới gầm trời, nhưng chúng không thể cùng một lúc đem
cả nước nó vào trận được. Vả lại những vùng đất mới chinh phục, quân
chiếm đóng như ngồi trên đống lửa, bởi phải lo đối phó với đông đảo người
dân không cam tâm làm nô lệ. Hơn nữa cuộc giao đấu giữa hai anh em nhà
Hốt-tất-liệt diễn ra khốc liệt trong bấy nhiêu năm cũng có nghĩa người
Mông Cổ tự làm yếu sinh lực của họ đi nhiều lắm.
Lại nữa lính Mông Cổ không phải là thiên binh, ngựa Mông Cổ không
phải là thiên mã, chứng cớ rành rành khi chúng vào xâm lấn cõi bờ ta năm
Đinh Tỵ thời cả lính chiến, ngựa chiến Mông Cổ đều bị quân ta giết chết
khá nhiều, cuối cùng chúng phải bỏ lại tất cả của cải cướp được mà tháo
chạy. Và cũng chính năm đó, Hưng Đạo vương với số quân ít hơn nhiều đã
phục đánh khiến quân Mông Cổ phải táng đởm kinh hồn. Còn như đối trận
với đệ nhất danh tướng Mông Cổ là Ngột-lương-hợp-thai trong trận Bình
Lệ Nguyên thượng hoàng cầm quân xông pha cản giặc gần một ngày trời
chúng mới qua được sông. Và khi chúng kéo đại binh về chiếm đóng Thăng
Long vừa được đúng bảy ngày thì thượng hoàng đem sáu quân tiến đánh,