giặc thua phải bỏ kinh thành mà chạy trốn. Như vậy rõ ràng là quân Mông
Cổ không phải là một thứ quân không thể đánh bại. Tướng Mông Cổ không
phải là loại tướng không bại trận. Chung quy là người ta có dám đương đầu
với nó hay mới chỉ nghe danh nó đã sợ cuống lên rồi tìm cách tháo chạy
hoặc cắt đất cầu hòa và chịu cống nạp của cải cho nó như vua tôi nhà nam
Tống. Và như hoàng thượng nói, ta đánh với Mông Cổ khác nào châu chấu
đá xe. Nhìn bề ngoài thì quả thật là như vậy. Là tưởng rằng chấu ngã, ai dè
xe nghiêng. Tướng quân hạ giọng rồi lui về chỗ.
Quan đại hành khiển thượng thư tả phụ Nguyễn Giới Huân xuất ban
xin nói:
- Tâu bệ hạ, thưa các đồng liêu, nghe quan tướng quốc thái úy và quan
ngự sử đại phu nói thì ta có thể đánh, và cũng có thể thắng quân Mông Cổ,
miễn là ta gan góc, dám đánh.
Đúng vậy, nếu không đánh giặc ắt mất nước. Nước mất nhà tan. Đó
không chỉ là nỗi đau mà còn là nỗi nhục nữa. Tuy nhiên, thần thấy sức
mạnh của nhà Đại Nguyên thì không thể coi thường được, bởi nó còn cộng
thêm cả sức mạnh của Trung Hoa vào đó nữa. Vì nghĩa lớn mà xả thân cứu
nước, tấm thân này dẫu có mất đi cũng chẳng sá gì, thế nhưng còn sinh
mệnh của muôn dân, còn tông miếu xã tắc thì sao? Xin bệ hạ cứ bình tâm,
ta còn đủ thì giờ cứu xét.
Nghe Nguyễn Giới Huân nói vua Thánh tông không khỏi giật mình.
Đúng là bỏ một tấm thân ta thì có chi đáng kể, nhưng còn tông miếu, xã tắc
và sinh linh trăm họ. Nếu đánh mà không thắng ắt nó sẽ hủy hoại tông
miếu, đó là điều ta lo ngại nhất. Lại nữa sinh linh trăm họ bị giặc tàn sát đó
cũng là điều làm ta lo lắng nhất. Nghĩ vậy vua bèn hỏi thông thị đại phu
Trần Phụng Công:
- Mấy năm trước, khanh sang sứ nhà Nguyên khanh thấy tận mắt thực
lực của họ, liệu có đáng ngại lắm không?
Trần Phụng Công liền xuất ban:
- Tâu bệ hạ, hồi đó thần sang nước Nguyên nhưng thực ra nó là nước
Đại Lý, chính là tỉnh Vân Nam của người Tàu do quân Mông Cổ chiếm