Nói xong, ông lui về chỗ. Nguyễn Hiền vốn ít nói. Ông chỉ nói những
điều mình đã làm, còn những gì đang ấp ủ có biết chắc sẽ đạt thành tựu ông
mới nói.
Tướng Lê Tần lại xin nói:
- Tâu bệ hạ, để hưng thế quân, thế nước, nhằm kình chống giặc dữ
triều đình cần nhiều tài năng lớn. Chỉ có tài năng và sức trẻ cùng với lòng
yêu nước cháy bỏng mới đảm đương được việc lớn. Nay thần tuổi đã cao,
tài và sức đều cạn, xin bệ hạ hãy lấy chức thủy quân đại tướng của thần trao
cho người khác. Nhân đây thần xin nói giặc đánh ta, thế nào chúng cũng
dùng quân thủy phối với quân kỵ. Chắc chắn người Mông Cổ sẽ lấy quân
thủy từ đám quân phương nam của người Tống đã quy hàng. Vì vậy ta phải
lập ngay một đạo quân thủy hùng mạnh ngay từ bây giờ kẻo trễ.
Các tướng như: Hưng Đạo vương (Trần Quốc Tuấn), Chiêu Quốc
vương (Trần Ích Tắc), Tĩnh Quốc vương (Trần Quốc Khang), Nhân Huệ
vương (Trần Khánh Dư) cùng nhiều tướng trẻ khác cần được trao cho trọng
trách điều hành việc nước, việc quân, xin bệ hạ lưu tâm.
Vua rất cảm kích về lòng trung và cả sự cao thượng của bậc lão thần
mà vua cha đã gọi là Lê Phụ Trần. Tức người họ Lê phù giúp họ Trần. Ngay
như công cuộc kình chống giặc Mông - Thát năm Đinh Tỵ, Lê Tần cũng rất
mưu trí và cương dũng, vừa cản giặc vừa che chắn tên đạn cho thượng
hoàng. Nghĩ vậy, vua liền dụ rằng:
- Ngự sử đại phu là người tài lại có nhân cách cao thượng, nếu vì tuổi
già sức yếu không đảm đương trận mạc được thì khanh làm việc khác.
Gừng già càng cay, người già nhiều mưu, khanh có thể dự nghĩ cho nước
được nhiều việc lớn, khanh khuyên ta nên tìm kiếm người tài, trong khi
chính khanh cũng là người tài đức mà đất nước đang cần, sao ta có thể để
khanh hồi hưu được. Vả lại khanh đâu phải người ưa hưởng nhàn.
Nhìn khắp lượt các triều quan, vua Thánh tông lại nói:
- Nhân đây ta bố cáo một việc trọng đại mà triều ta mới làm được. Ấy
là cách đây hơn mười năm, thượng hoàng có giao cho Quốc sử viện soạn bộ