Thượng hoàng nói một mạch hết các điều ngài thấy cần phải nói nên
đã thấm mệt. Ngài ngả lưng vào tựa ghế. Nhà vua nhìn khắp lượt các con
với tất cả tấm lòng yêu thương được dồn trút vào ánh mắt và như cố nén
ghìm xúc động, ngài nói:
- Giang sơn gấm vóc của tiền nhân để lại, mỗi gốc cây ngọn cỏ, mỗi
hòn đá viên sỏi từng thấm máu của người mình trải mấy ngàn năm, cho nên
một tấc một thước núi sông ta cũng không được phép để lọt vào tay quân
thù. Từ xưa cái họa của nước mình thường từ phương bắc đến, do vậy các
con nên canh chừng người Bắc.
Ngập ngừng giây lát thượng hoàng lại tiếp: - Sinh tử là nhẽ thường
hằng, nếu ta có ra đi cũng chỉ nằm trong luật sinh diệt tụ tán của tạo hóa,
các con chớ vì đó mà sao nhãng việc nước. Ta nghe như bước chân giặc
đang rộn rã ngoài biên thùy rồi đấy. Nói xong ngài khép hờ đôi mắt như
người nhập định.
Vua Thánh tông và các hoàng đệ đều quỳ phục dưới chân thượng
hoàng, ai nấy đều ngước mắt nhìn vua cha mà âm thầm nhỏ lệ.
Chợt thượng hoàng mở mắt nhìn các con, ngài nghiêm huấn:
- Các con chớ yếu lòng. Sang đầu hạ chắc ta đi xa. Các con khá nhớ
nhời ta dặn, phải giữ lấy nước, phải lấy nước làm trọng. Phải truyền cho
bách tính lòng yêu nước, lòng kiêu hãnh và cả sự liêm sỉ. Thiếu lòng kiêu
hãnh dân tộc và thiếu cả sự liêm sỉ nữa, cũng tức là dấu hiệu báo trước sự
bại vong.
Vua Thánh tông và các hoàng đệ đều xúc động nói:
- Chúng con xin nghiêm giữ lời dạy của phụ hoàng.
Thượng hoàng Trần Thái tông giơ tay bảo các con:
- Trở về cung, phủ làm việc đi.
Các ngày tiếp nối, thượng hoàng tuy có yếu mệt nhưng chưa bỏ một
khóa lễ nào và hằng ngày vẫn có cuộc đàm đạo với vị thiền sư trong hoàng
thành, nhưng thời gian của các cuộc tiếp xúc cứ ngắn dần. Tới sáng ngày