báu cho con rồi lui về động Thái Vi lập chùa tu đạo. Đúng là ngài chỉ ham
kê cứu đạo nhất thừa mà coi chiếc ngai vàng không hơn đôi dép cỏ. Đời cho
ngài là một vị vua thiền sư hiếm gặp.
Nhà vua mất đi trong sự tiếc thương của người dân cả nước. Dân
nước coi ngài là một vị vua hiền, một người ái thiện. Giới tu hành coi ngài
như một vị thiền sư, một nhà trứ tác Phật học xuất sắc.
Nhưng kinh ngạc nhất và xót xa nhất là cái chết của công chúa Thiều
Dương, vợ của thượng vị Văn Hưng hầu, nàng vừa ở cữ nên trong khi
thượng hoàng từ động Thái Vi về cung Vạn Thọ nàng không tới thăm vua
cha được, lòng càng áy náy. Lại nghe nói thượng hoàng không được khỏe,
nàng luôn sai người đến thăm hỏi. Người được sai đi, Văn Hưng hầu dặn
phải nói lại với công chúa rằng “Thượng hoàng đã khỏe”. Công chúa Thiều
Dương vẫn bán tín bán nghi, tới lúc nghe tiếng chuông thúc hối hả, liền hỏi
người hầu: “Thượng hoàng mất chăng?”. Người hầu ra ngoài một lát về tâu:
“Không phải thượng hoàng mất mà có sứ nhà Nguyên tới”. Công chúa vẫn
không tin, lăn khóc vật vã, nước mắt chảy ra đỏ như máu rồi không nhìn
thấy gì nữa và cứ gào mãi cho đến chết.
Được tin vua Thái tông mất, Hốt-tất-liệt cho đây là cơ hội để thôn tính
Đại Việt, nên cử Lễ bộ Sài Thung sang viếng tang cùng dò xét tình hình.
Vua Thánh tông ra tiếp sứ. Sài Thung lấy cớ vua cũ mất, chưa được
lệnh của thiên tử nhà đại Nguyên mà đã tự tiện lên ngôi nên vua mới phải
sang chầu ngay. Với nhà Nguyên thì lúc này vua Thánh tông mới lên ngôi.
Để lấy lòng sứ giặc, vua Thánh tông mời Sài Thung dự tiệc yến. Y
hỏi:
- Nhà vua định thết yến sứ thiên triều tại cung nào?
Vua đáp:
- Tiệc yến sang trọng trẫm thường cho bày tại hành lang đại điện để
thượng khách vừa dự tiệc vừa ngắm cảnh.
Sài Thung nghiêm mặt: