mỗi đợt đi nóng nực, anh em Hạnh lại gặp một dải thác nước đổ trắng xoá,
dội vang ầm ầm. Hoa ngâu bên dòng suối chân thác cũng nở vàng hoang
dại, chẳng ai thu hái, tuy đó là vị thuốc chữa sốt. Vui nhất là trên đường gặp
những người Ba Na, Ê Đê, Gia Rai... đi chợ miền núi hay vào rừng hái cây
thuốc, đi đặt bẫy thú. Những cô gái địu gùi mây nâu bóng chất đầy những
ống mật ong sóng sánh hay những xâu nấm mèo béo mập, nõn nà. Các cụ
già còn nhanh nhẹn leo đèo, lội suối, tay vẫn cầm điếu và nhả khói ung
dung, cần điếu rung rinh vắt vẻo.
Rừng cứ mở ra rồi khép lại, mở ra trên đường anh Thành và Hạnh đi.
Rừng mênh mông, bạt ngàn. Mỗi bận qua một cánh rừng mới, anh Thành
lại giới thiệu tỉ mỉ cho Hạnh biết. Hạnh đã dần dần hiểu được các loại gỗ
quý mà trước đây mình chỉ biết ít ỏi. Gỗ kép vân như mây trời vần vụ, gỗ
mun đen nhánh như huyền, gỗ gụ ánh vàng màu đỏ tươi, gỗ giáng hương
thơm ngào ngạt, gỗ trắc, ca - le cứng như thép, gỗ chò chỉ, bằng lăng bền
và chắc. Rồi quế chữa cảm mạo, sa nhân chữa ăn không tiêu, hà thủ ô làm
thuốc bổ...
Cuốn sổ ghi chép của anh Thành đã kín đầy những trang ghi mới. Một
buổi, hai anh em đang nghỉ trưa trên nệm lá khô êm dày ở rừng dẻ gai, một
chị người Mơ Nông còn trẻ đi qua. Chị có vẻ tất bật nhưng vẫn không bớt
phần duyên dáng. Chiếc váy đen bóng, ống váy nổi lên một viền đỏ tươi
chạy ngang. Ở búi tóc chị thả xuống một chùm chỉ đỏ. Phía trên trán, áp lấy
mái tóc mượt mà, trang điểm một vòng hạt cườm nhiều màu. Cổ tay chị
cũng đầy những vòng hạt cườm rủng rẻng. Chị dừng lại bảo anh Thành:
- Cán bộ không ở đây được đâu, ở đây nguy hiểm đó!
Anh Thành ngạc nhiên:
- Chị nói sao?
- Hổ về làng sao?
- Không có hổ đâu. Nhưng đêm hội đua voi sắp về làng đó. Ở đây,
voi đàn đi qua, thấy người lạ sẽ hung dữ đó. Cán bộ theo tôi về làng dự hội
thôi.