Hơn một tuần sống với vợ chồng Tâm đón nhận bao ê chề cay đắng ông
không còn chút sức lực nào nữa để tranh cãi về những phô trương đua đòi
mà ông cho là ngu xuẩn. Nhớ vài hôm trước ông bà đang soạn quần áo,
Tâm vừa đi làm về đã chạy vào ngồi chễm chệ trên giường mặt mày nhăn
nhó khổ sở:
- Con đã dặn đừng mang gì cả ngoài vài bộ đồ thật đẹp mặc trong người,
nào ngờ cả những giẻ rách chổi cùn cũng không thiếu.
Tâm lật từ trên xuống dưới và rồi bực dọc hất tung xấp áo cánh của mẹ:
- Hàng họ bông hoa con gửi về đâu hết rồi mà toàn thứ vải đen vải nâu dầy
cộm như dọn nhà đi kinh tế mới vậy?
Ông Cửu ngượng chín người, cũng may thằng chồng nó chưa về chứ nếu
không ông cũng chẳng biết trả lời sao. Còn bà thì nín lặng nhưng ra chiều
buồn bã. Nó còn trẻ nên đâu biết lối ăn mặc của những người già cả. Ai mà
chẳng muốn đẹp muốn văn minh tân tiến nhưng nó phải phù hợp với dáng
dấp và phong cách của mỗi con người. Nhất là ông bà đã hơn bẩy mươi
tuổi rồi, cả đời có biết váy ngắn váy dài là gì, có biết quần tây bó mông bó
chân ra sao mà nó cứ một hai bắt phải mặc cho bằng được.
- Ở với con là phải quăng những thứ này vào thùng rác hết.
Bà Cửu sợ con vứt đi vội vàng vơ ngay lấy dồn vào va li:
- Chúng mày không cho mặc thì tao cũng giữ đấy mai kia đóng thùng gửi
về Việt Nam. Con ranh cứ làm như giàu có lắm.
Bà tiếc của nên vơ vét lại chứ riêng ông thì mặc kệ. Quần áo đấy xấu cứ
việc giục bỏ, hôi cứ việc đốt và quê mùa cứ việc làm giẻ lau. Có giỏi có
giàu thì cứ việc mua sắm, bắt mặc gì ông mặc đấy để xem mặt nó có đẹp
thêm hay mèo vẫn hoàn mèo. Buồn bã là thế nhưng tay ông vẫn nhanh
nhẹn và thoăn thoắt lau đều. Lau xong thấy khoẻ khoắn đôi phần, ông ra
bật ti vi lên coi thì Thành về tới. Không thấy vợ ở nhà, Thành có vẻ ngạc
nhiên, nhất là khi liếc trên bàn thức ăn vẫn còn nguyên:
- Ủa sao không ai ăn hết vầy nè. Vợ con chưa về tới hả thầy?
- Nó ăn cơm rồi hai mẹ con chở nhau đi ra chợ mua ba thứ vặt vãnh gì đó
mà.