tỏ ý này với anh và anh trả lời: "Ồ, anh thấy đây, tôi quan tâm đến nó vì
Conway đã một thời bị mắc chứng quên đi mọi sự việc."
Tới khách sạn, Rutherford đến phòng khách lấy chìa khóa. Lúc hai
chúng tôi lên tầng năm, anh nói: "Tất cả những cái đó chỉ là nói quanh mà
thôi. Sự thật là Conway chưa chết, ít nhất cách đây mấy tháng anh ta còn
sống."
Trong thang máy chật hẹp, thời gian cũng chóng nên không ai nói được
câu gì. Lát sau khi đi trong hành lang, tôi hỏi anh: "Thế anh có chắc chắn về
điều ấy không? Làm sao anh lại biết?"
Vừa mở khóa cửa, anh vừa đáp: "Vì tôi đã đi cùng Conway từ Thượng
Hải đến Honolulu trên một chuyến máy bay phản lực của hãng hàng không
Nhật Bản hồi tháng mười một năm ngoái?"
Rồi anh không nói nữa cho đến lúc cả hai chúng tôi đã yên vị ngồi
trong chiếc ghế bành uống nước, hút thuốc:
"Anh thấy đây, tôi đã đến Trung Quốc trong một dịp nghỉ vào dạo mùa
thu. Tôi chả vẫn thường đi đó đi đây luôn. Đã nhiều năm tôi không gặp
Conway. Chúng tôi không hề thư từ cho nhau, và cũng không thể nói tôi
thường xuyên nghĩ đến anh ấy, mặc dầu hình ảnh của anh vẫn là một trong
số ít những hình ảnh mà tôi dễ dàng nhớ lại. Hồi đó tôi có việc đến thăm
một người bạn ở Hán Khẩu và đáp xe lửa tốc hành về Bắc Kinh. Trên xe lửa
tôi đã có dịp được trò chuyện với một bà xơ Nhất, một bà xơ rất đỗi hấp dẫn
trong số mấy bà xơ từ thiện người Pháp. Bà đi Trùng Khánh nơi có tu viện
của bà. Vì tôi biết nói một ít tiếng Pháp nên bà xơ xem ra thích thú nói
chuyện với tôi về công việc của bà và về các vấn đề nói chung. Thực ra, tôi
vốn không có cảm tình lắm đối với các tổ chức truyền giáo thường, nhưng
cũng như mọi người ngày nay, tôi sẵn sàng thừa nhận là người La Mã đứng
tách ra một tầng lớp riêng, vì họ hoạt động rất tích cực và không hề làm bộ
như mấy ngài sĩ quan trong một xã hội đầy rẫy lính thường. Nhưng đó chỉ là
nhân tiện mà nói thôi. Vấn đề chính là bà xơ này, khi nói chuyện với tôi về
cái bệnh viện của Hội truyền giáo ở Trùng Khánh, có nêu ra một trường hợp