Tu sĩ Tưởng cúi đầu cảm ơn sự giải thích. Ông say mê học ngoại ngữ
và thích cân nhắc về mặt triết lý mỗi từ mới. Một lúc sau, ông nói: "Thật đầy
ý nghĩa; người Anh coi phất phơ là một thói xấu. Chúng tôi, mặt khác lại
thích phất phơ hơn căng thẳng rất nhiều. Thế giới hiện nay chẳng đã có quá
nhiều sự căng thẳng, và chẳng đã có thể tốt hơn nếu có nhiều người phất phơ
hơn?"
"Tôi muốn đồng ý với ông." Conway đáp lại, vẻ trang trọng và thích
thú.
Trong vòng độ một tuần sau buổi gặp gỡ và nói chuyện với vị Lama tu
viện trưởng Conway gặp nhiều người khác trong đám những đồng nghiệp
sau này của anh. Tu sĩ Tưởng không tỏ ra hăm hở hoặc miễn cưỡng khi giới
thiệu anh với những người này, còn Conway cảm thấy một không khí mới
đối với anh, có phần hấp dẫn, trong đó sự vội vã không đòi hỏi ồn ào, mà sự
trì hoãn không làm thất vọng. "Thực tế," tu sĩ Tưởng giải thích, "Một số
Lama có thể trong một thời gian dài không gặp anh - có khi hàng nhiều năm
- nhưng cái đó anh không được lấy làm ngạc nhiên. Họ được chuẩn bị để
làm quen với anh khi có thể được, việc họ tránh không vội vã không có
nghĩa phần nào là không muốn gặp." Conway thường đã có những cảm giác
như vậy khi anh đến gặp những người mới đến ở lãnh sự quán nước ngoài,
nên coi đây là một thái độ rất thông minh.
Tuy nhiên, những cuộc gặp gỡ giữa anh và họ rất có kết quả, và những
buổi chuyện trò với những người gấp ba tuổi anh, anh thấy không có những
bối rối xã giao như thường có tại London hoặc Delhi. Lần đầu tiên anh gặp
một thiên tài người Đức tên là Meister; ông này đã đến tu viện đây vào thập
kỷ tám mươi, và là người sống sót trong một đoàn thám hiểm. Ông nói rất
thạo tiếng Anh, tuy giọng nói hơi nặng. Một hai ngày sau, anh được giới
thiệu với một người thứ hai. Conway rất thích thú khi lần đầu tiên nói
chuyện với người mà vị tu viện trưởng đặc biệt nêu ra, tên là Alphonse
Briac, một người Pháp với vóc người bé nhỏ nhưng rắn đanh, nom ông
không có gì là già lắm, mặc dầu ông nói mình là học trò của Chopin.