trong thời gian ở lại đây, mọi người sẽ coi phòng âm nhạc và thư viện là nơi
họ được tự do sử dụng. Conway, có phần chân thành, ngỏ lời cám ơn ông và
hỏi thêm: "Thế nhưng còn các vị Lama thì sao? Có bao giờ, các vị ấy muốn
sử dụng những thứ ấy không?"
"Các vị ấy rất vui lòng được nhường chỗ cho các vị khách quý."
"Ồ, thế mới gọi là thực sự hào phóng chứ!" Barnard nói. "Và hơn nữa,
điều đó chứng tỏ các vị Lama thực sự biết chúng tôi có mặt ở đây. Dù sao thì
đây cũng là một bước tiến khiến tôi thấy yên tâm hơn nhiều. Thưa ông
Tưởng, ở đây hẳn là các ông có một đoàn người cừ khôi, và cô gái vừa chơi
đàn Piano thực tuyệt. Cô ấy năm nay bao nhiêu tuổi, hở ông?"
"Tôi e rằng tôi không thể nói ông biết được."
Barnard cười nói: "Ông không để lộ tuổi tác của một cô gái phải
không?"
"Đúng thế." Tu sĩ Tưởng đáp lại với nụ cười hơi sa sầm.
Chiều hôm đó, sau bữa ăn, Conway có dịp một mình ra ngoài đi dạo
trong sân yên tĩnh đấy ánh trăng. Quang cảnh Shangri-La lúc ấy thực xinh
đẹp, có điểm thêm cái vẻ huyền bí lẩn sâu trong mọi vật xinh đẹp đáng yêu.
Không khí lạnh và tĩnh mịch; cái tháp Karakal khổng lồ nom gần hơn, gần
hơn nhiều khi nhìn nó lúc ban ngày. Trong người Conway cảm thấy vui
sướng, cảm xúc được thỏa mãn, tinh thần thoải mái; nhưng trong phần trí
tuệ, không hẳn như phần tâm hồn, anh thấy có một chút gì khuấy động. Anh
thấy bối rối. Đường ranh giới bí mật mà anh đã bắt đầu vẽ ra đã trở nên rõ
rệt hơn. Song chỉ để lộ ra một cái nền bí hiểm khó nhìn thấu được. Toàn bộ
một loạt những sự kiện kinh ngạc đã xảy ra với anh và ba người bạn đường
ngẫu nhiên giờ đây quấy tụ vào một tiêu cự; anh chưa hiểu được hết chúng,
nhưng anh tin rằng rồi anh sẽ hiểu được.
Dọc theo một hàng hiên, anh đi đến một bậc thềm nghiêng mình trên
khu thung lũng. Mùi hoa huệ ngào ngạt quanh anh, có biết bao nhiêu liên
tưởng êm dịu; ở Trung Quốc người ta gọi nó là "Mùi thơm của ánh trăng".