Bà Valentôva đã gọt xong chỗ khoai tây, bà đặt nồi lên bếp rồi lại lên
tiếng:
– Bởi vì tại Vacsava này người thì nhiều lắm mà việc thì thiếu. Ông nhà
tôi mỗi tuần cũng chỉ có việc được ba ngày, vơ víu lắm mới đủ cho vào
mồm, ấy vậy mà cái ông giám đốc Purmanter hay gì gì ấy lại còn đe rằng
có thể đóng cửa hẳn nhà máy vì không bán được hàng. Cứ như thế này, giá
như không có cái Manka phụ thêm, thì cũng chẳng biết lấy gì mà trả tiền
nhà. Con bé làm khốn làm khổ mà rồi cũng chẳng được mấy nỗi. Mỗi tuần
không kiếm được lấy hai ông khách thì…
– Bảo cô ấy cẩn thận đấy, - Đyzma ngắt lời - nếu người ta túm được mà
không có sổ thì… nào!
Bà Valentôva quấn cho đứa bé rồi giăng chiếc tã ướt lên trên tấm sắt lò.
– Bận gì đến ông mà ông quàng quạc lên thế? - Bà gắt - Ông cứ hẵng lo
cho cái thân ông ấy! Ba tuần liền không trả lấy một xu, vẫn cứ chiếm chỗ
của nhà người ta! Người thuê nhà! Quan với chả trọng!
– Tôi sẽ trả. - Đyzma làu bàu.
– Có thể trả mà cũng có thể không. Mười lăm zuôty cũng rẻ như cho một
nửa rồi, ấy vậy nhưng có phải tự nó mò đến được đâu. Mà ông thì cứ hễ
xoay được tí việc nào thì y như rằng lại bị đuổi cổ…
– Chứ ai bảo bà thế, bà Valentôva?
– Dào ôi! Bí với chả mật! Thì chính mồm ông hở ra với con Manka chứ
ai!
Im lặng.
Đyzma ngoảnh ra ngoài cửa sổ, thẫn thờ những những bức tường tróc lở
trong sân. Quả thực, một sự rủi ro nào đó cứ ráo riết đuổi theo y mãi. Y
chẳng thể làm việc lâu dài ở một chỗ nào cả. Vì bướng và lười, y bị tống cổ
khỏi trường trung học ngay từ lớp đệ tứ. Có nhẽ ông chưởng khế Vinđer là
người giữ y được lâu hơn cả. Hẳn vì Nikôđem Đyzma biết võ vẽ ít tiếng