Đức đủ để hiểu người ta sai mình đi đâu. Tiếp đó là sở bưu chính và điện
báo với đồng lương còm cõi cùng đủ điều chê trách thường xuyên của ông
chánh. Chiến tranh, ba năm liền phục vụ trong đoàn xe của trung đội điện
báo, mỗi một lần được phong cấp lên binh nhất
. Rồi lại đến sở bưu chính
ở Uyxkốp, trước khi có đợt giảm biên chế. Nhờ đức linh mục, y xin được
vào trông coi phòng đọc sách, nhưng cũng chỉ trú chân qua mỗi một mùa
đông, bởi đến tháng tư người ta đã phát hiện ra rằng y không biết duy trì
trật tự khả dĩ cho các giá sách.
Nói đúng ra, đó là công việc dễ chịu hơn cả…
Dòng hồi ức của Đyzma bị những tiếng còi tầm những nhà máy gần đấy
cắt ngang. Bà Valentôva sửa soạn bày bàn ăn, thấy vậy Đyzma uể oải đứng
dậy bước ra cửa.
Y lang thang vô định trên những đường phố nóng nực, mặc dù đôi chân
đã mỏi nhừ. Phải ở lại trong phòng để nghe những lời châm chích của ông
Valenty Barchich cùng những câu phụ họa đầy khinh mạn của con bé
Manka, nhất là phải nhìn cảnh họ ăn uống - việc đó quá sức chịu đựng của
y. Đã ngày thứ hai y chưa có miếng gì đút vào miệng, trừ vài điếu thuốc lá
mà y dành dụm những đồng xu cuối cùng để mua. Y nín thở bước ngang
qua hàng thịt, nơi bay ra mùi xúc xích thơm đến cồn cào. Y cố sức ngoảnh
mặt đi không dám nhìn vào cửa kính bày hàng của các hiệu thực phẩm,
song cái đói vẫn chẳng để y yên.
Nikôđem Đyzma hiểu rất rõ rằng, đối với y, không hề tồn tại một viễn
cảnh tốt lành nào cả.
Điều ấy có làm y hãi hùng không? Đời nào! Bởi vì, may thay, loại tâm lý
của Nikôđem Đyzma không hề chứa đựng một chút trí tưởng tượng nào cả.
Tầm dự đoán cùng các kế hoạch của y không hề vượt quá phạm vi những
ngày gần nhất, và nếu tuần vừa rồi y đã sống cầm hơi nhờ chiếc đồng hồ
bán được, thì tuần sau, y vẫn có thể sống sau khi bán chiếc áo đuôi tôm
cùng đôi giày da bóng chứ sao?