áo còn chiếc khăn mùi xoa. Y đút ngay hai thứ tìm được vào túi áo vét.
Chợt y sờ thấy trong túi có gì là lạ, giống như một tờ giấy cưng cứng. Giấy
mời.
Y rút tờ giấy ra khỏi phong bì, đọc lại. Dòng chữ nhỏ in dưới cùng chợt
đột ngột đập vào trí óc y: “Trang phục dạ hội - huân huy chương”.
Y đưa mắt nhìn chiếc áo đuôi tôm. Chiêu đãi… Thức ăn, vô khối thức
ăn, lại không mất tiền…
“Mình thật là ngu” - y nghĩ bụng, song vẫn thận trọng đọc lại giấy mời:
“Ngày 15 tháng 7, hồi 20 giờ”.
Một ý nghĩ cứ bám chằng chằng, không tài nào xua nổi.
– Ông Valenty, hôm nay mười lăm à?
– Ờ, mười lăm.
– Sắp mấy giờ rồi nhỉ?
– Sắp thì mười giờ cũng là sắp, nhưng bây giờ mới bảy giờ thôi.
Đyzma đứng lặng hồi lâu.
“Họ làm gì được mình kia chứ? - Y nghĩ thầm - Tống ra cửa là cùng chứ
gì? Vả chăng, ở đó chắc cũng đông người lắm… ”.
Y lấy dao cạo ra và bắt đầu thay quần áo.
Dạo còn làm việc ở phòng đọc của huyện, trong những giờ dài dằng dặc
trước bữa trưa, khi gần như không có việc gì để làm, y đành phải đọc sách
cho khuây. Nhiều lần y bắt gặp những đoạn mô tả các buổi dạ hội và chiêu
đãi do những ngài công tước hay bộ trưởng nào đó tổ chức. Y biết rằng -
nếu như các sách kia mô tả đúng sự thật - tại các buổi chiêu đãi lớn thường
có nhiều người không hề quen biết nhau, và nếu thế thì cái chuyện thoạt
tiên có vẻ như liều lĩnh kia biết đâu lại chả thành công. Nhất là nếu như bề
ngoài y không khác gì đám thực khách.
Vợ chồng Barchich ngồi cạnh bàn ăn khoai tây, uống nước chè.